ĐTC Phanxicô: Cần giải quyết khủng hoảng bằng tình liên đới toàn cầu

11/05/2023

Sáng thứ Tư 10/5, tại buổi gặp gỡ các tham dự viên của Hội nghị do Hàn lâm viện Toà Thánh về khoa học tổ chức, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng để thoát khỏi các cuộc khủng hoảng hiện nay, không chỉ bằng cách tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, nhưng trên hết cần một thái độ liên đới toàn cầu.

ĐTC Phanxicô nói trong buổi gặp gỡ: “Chủ đề của Hội nghị ‘Khủng hoảng lương thực và nhân đạo: Khoa học và Chính sách để Phòng ngừa và Giảm thiểu’, là một chủ đề hợp thời, không chỉ để thảo luận, nhưng còn để kêu gọi một sự lãnh đạo có tầm nhìn xa và chính sách thiết thực, nhằm giảm bớt những đau khổ của nhiều anh chị em chúng ta, do thiếu thực phẩm hoặc thực phẩm không tốt”. Và theo ĐTC Phanxicô tình trạng này càng trở nên cấp bách do cuộc chiến ở Ucraina, thiên tai, nạn tham nhũng chính trị hoặc kinh tế và khai thác trái đất, ngôi nhà chung. Nhưng ngài cũng lưu ý, khủng hoảng cũng có thể trở thành một cơ hội để nhận ra và học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ.

Theo nghĩa này, ĐTC Phanxicô hy vọng Hội nghị sẽ giúp tất cả chúng ta thoát khỏi những khủng hoảng mà chúng ta hiện đang phải đối diện, không chỉ bằng cách tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, nhưng trên hết bằng cách nhắc lại tầm quan trọng của việc phát triển một thái độ liên đới toàn cầu đặt nền tảng trên tình huynh đệ, tình thương và hiểu biết lẫn nhau.

ĐTC Phanxicô nhấn mạnh thêm rằng, Giáo hội hết lòng ủng hộ và khuyến khích những nỗ lực của tất cả những ai đang làm việc không chỉ để nuôi sống người khác hoặc đối phó với khủng hoảng, nhưng còn để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, công bằng giữa các dân tộc và liên đới quốc tế, nhờ đó củng cố công ích.

Kết thúc buổi gặp gỡ, ĐTC Phanxicô cám ơn các tham dự viên của Hội nghị về sự cộng tác của họ với Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học, vì điều này sẽ mang lại kết quả trong việc giải quyết nhiều vấn đề phát sinh từ lương thực và các cuộc khủng hoảng khác. Ngài giải thích: “Khủng hoảng khác xung đột. Xung đột tự khép kín chính mình, khó thoát ra khỏi xung đột một cách xây dựng. Trái lại, người ta có thể thoát ra từ cuộc khủng hoảng, nhưng với hai điều kiện: thoát ra cùng với người khác và phải luôn tiến về phía trước, luôn phát triển”.

Ngọc Yến 

Nguồn: Đài Vatican News