ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

31/08/2024

Sáng thứ Sáu ngày 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan báo Tin Mừng thảo luận về việc cải cách Đại học Giáo hoàng Urbaniana, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng căn tính, và cũng là sứ mạng của Đại học, là loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ngài nói rằng chúng ta được kêu gọi sống như những Kitô hữu trong xã hội đa nguyên ngày nay.

Cuộc gặp gỡ bao gồm các Hồng y, Giám mục, linh mục và các thành viên của Phân bộ phụ trách việc Loan báo Tin Mừng lần đầu và các Giáo Hội địa phương mới ở các miền thuộc thẩm quyền của Bộ tham dự Đại hội ngoại thường của Phân Bộ.

Mục đích của Đại hội được ĐTC Phanxicô nhắc lại ở đầu bài diễn văn: “Anh chị em từ khắp các châu lục đã quy tụ tại Roma để suy tư về căn tính, sứ mạng, kỳ vọng và tương lai của Đại học Giáo hoàng Urbaniana”. Và Đức Thánh Cha đã tập trung suy tư về hai cụm từ: căn tính-sứ mạng và kỳ vọng-tương lai.

Căn tính/sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Trước hết, nói về mối liên hệ giữa căn tính-sứ mạng, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng ơn gọi/căn tính của Đại học Giáo hoàng Urbaniana cũng là sứ mạng của nó. Ngài giải thích: “Việc đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu và sức sống của Đại học, là một phần trong mệnh lệnh mà chúng ta đã nhận được, là loan báo Tin Mừng cho mọi người” (xem Mc 16,15).

Theo ĐTC Phanxicô, di sản 400 năm của Đại học Urbaniana phải được chuyển thành những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi mà thực tế ngày nay đặt ra cho Giáo hội và thế giới. “Chúng ta không sống trong một xã hội Kitô giáo, nhưng chúng ta được kêu gọi sống như những Kitô hữu trong xã hội đa nguyên ngày nay”.

Kỳ vọng và tương lai của Đại học Urbaniana

Tiếp đến, về mối liên hệ giữa kỳ vọng  tương lai, ĐTC Phanxicô nói rằng cần kết hợp nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu cũng như sự hợp lý hóa cần thiết về nguồn nhân lực và kinh tế”. Do đó, theo ngài, “cần có một tầm nhìn có khả năng nhìn xa hơn ngày nay, có khả năng xem xét tình hình Giáo hội và xã hội, sức sống của các cơ cấu Giáo hội và tính bền vững của chúng, nhu cầu của các Giáo hội địa phương, ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, vấn đề nhân khẩu học của các vùng khác nhau”.

ĐTC Phanxicô nhấn mạnh đến tính đồng đội, làm việc cùng nhau; cần sự sáng tạo lành mạnh để tìm ra các hành trình thích hợp; tránh nguy cơ việc học tập chỉ còn là việc hoàn thành các bài vở, các tín chỉ và bài kiểm tra.

Ngài cũng nhận định rằng việc làm cho một tổ chức học thuật trở nên hấp dẫn và cạnh tranh đòi hỏi có những giáo viên tận tâm, nghiên cứu khoa học và khả năng đóng góp đáng kể cho học thuyết. Tận dụng tốt các nguồn lực có nghĩa là hợp nhất các tiến trình giống nhau, chia sẻ giáo viên, loại bỏ lãng phí, lập kế hoạch hành động cẩn thận, loại bỏ các phương pháp và dự án lỗi thời.

Cuối cùng, ĐTC Phanxicô cũng mong muốn thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu hơn cho các khu vực địa lý và văn hóa khác nhau, như đã làm ở khu vực châu Á và Trung Quốc, và củng cố những trung tâm hiện có. Ngài cũng khuyến khích liên kết giữa các Chủng viện và Học viện Thần học ở các xứ truyền giáo. (CSR_3573_2024)

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News