Trong Thánh lễ cử hành cho cộng đoàn Philippines, ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Philippines ở Roma rằng họ có một sứ vụ đặc biệt: đức tin của họ là men của cộng đoàn giáo xứ nơi họ sống hôm nay. Ngài mời gọi gia tăng cơ hội gặp gỡ để chia sẻ sự phong phú văn hóa và tinh thần đồng thời để mình được phong phú nhờ kinh nghiệm của người khác.
Lúc 16 giờ 30 chiều Chúa Nhật 15/12/2019, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ cho cộng đoàn Philippines tại Roma. Đây là Thánh lễ đầu tiên trong tuần 9 ngày chuẩn bị lễ Giáng Sinh, được gọi là Simbang Gabi, một truyền thống tôn giáo của Philippines, liên kết dân tộc trong cầu nguyện để tạ ơn Chúa vì món quà vô cùng quý giá của Chúa: Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ của toàn nhân loại.
Có khoảng 60 linh mục Phlippines đồng tế với ĐTC Phanxicô trong Thánh Lễ, với sự hiện diện của khoảng 7 ngàn tín hữu. Dù nói rằng Thánh lễ dành cho cộng đoàn Philippines ở Roma, nhưng thực tế là có rất đông tín hữu gốc Phi ở các thành phố khác tại Ý cũng về Roma tham dự Thánh lễ. Trên toàn nước Ý có hơn 100 ngàn người Philippines sinh sống và làm việc.
Trong bài giảng, ĐTC Phanxicô nhắc rằng Chúa đến mang ơn cứu độ cho toàn thể dân Người, nhưng Người tỏ tình thương dịu dàng đặc biệt cho những người dễ tổn thương nhất, những người yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất. Thánh vịnh đáp ca còn nhắc đến những người bị áp bức, đói khát, tù tội, ngoại kiều, cô nhi, quả phụ (x. Tv 145,7-9). Họ là những cư dân của vùng ngoại biên của cuộc sống trong quá khứ và ngày nay.
Tình yêu cứu độ được thực hiện với Chúa Giêsu
Trong Chúa Giêsu, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trở nên cụ thể: người mù được thấy, người què đi được, người điếc được nghe, người chết sống lại, người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Nước Thiên Chúa đến không phải với trống kèn quân nhạc, không phải với phán xử và kết án các tội nhân, nhưng là giải thoát khỏi sự ác và loan báo lòng thương xót và hòa bình.
Dấu chỉ về sự hiện diện của Nước Chúa
Thiên Chúa nhập thể đã thực hiện những điều kỳ diệu cho dân Người. Đó là những dấu chỉ về sự hiện diện của Nước Chúa. Ngày nay còn nhiều người sống bên lề xã hội, chúng ta xin Chúa canh tân lại phép lạ Giáng sinh khi làm cho chúng ta trở thành dấu chỉ của tình yêu thương xót đối với người rốt cùng.
Truyền thống Simbang Gabi của Philippines
Mùa Vọng là mùa tỉnh thức và gia tăng cầu nguyện. Các Giáo hội có những truyền thống đặc biệt để giúp các tín hữu sống tinh thần Mùa Vọng. Tại Philippines, từ nhiều thế kỷ, có tuần 9 ngày chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, được gọi là Simbang-Gabi (Lễ ban đêm). Trong 9 ngày, các tín hữu Philippines đến nhà thờ vào ban sáng để cử hành một Thánh lễ đặc biệt. Trong những thập niên gần đây, nhờ các người nhập cư Philippines, lòng đạo đức này đã vượt biên giới quốc gia và đến nhiều quốc gia khác. Tại giáo phận Roma, truyền thống Simbang-Gabi này cũng đã được cử hành từ nhiều năm và hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành trong đền thờ thánh.
Bày tỏ tình yêu và sự dịu dàng của Thiên Chúa
ĐTC Phanxicô nói rằng qua việc cử hành này, chúng ta muốn chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh theo tinh thần Lời Chúa mà chúng ta đã nghe, kiên trì cho đến khi Chúa đến lần sau hết. ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta muốn cam kết bày tỏ tình yêu và sự dịu dàng của Thiên Chúa cho tất cả, đặc biệt cho những người rốt cùng. Chúng ta được mời gọi trở nên men trong một xã hội thường không thể hưởng nếm vẻ đẹp của Thiên Chúa và cảm nghiệm ơn sủng của sự hiện diện của Người.”
Sứ vụ là là men của cộng đoàn giáo xứ
ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Philippines ở Roma rằng họ có một sứ vụ đặc biệt: đức tin của họ là men của cộng đoàn giáo xứ nơi họ sống hôm nay. Ngài mời gọi gia tăng cơ hội gặp gỡ để chia sẻ sự phong phú văn hóa và tinh thần đồng thời để mình được phong phú nhờ kinh nghiệm của người khác. Tất cả được mời gọi cùng nhau xây dựng sự hiệp thông của khác biệt, một nét đặc biệt của Nước Chúa được Chúa Giêsu Kitô thiết lập; được mời gọi thực hành bác ái với những người ở vùng ngoại biên cuộc sống, dùng các ơn khác nhau của mình để phục vụ và để canh tân dấu chỉ sự hiện diện của Nước Chúa. Tất cả được mời gọi loan báo Tin Mừng cứu độ bằng mọi ngôn ngữ để nhiều người có thể đón nhận Tin Mừng.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican