ĐTC Phanxicô mời gọi triệu dân Madagascar đừng đóng kín trong chính mình, trong gia đình, bộ tộc, nhưng mở rộng tâm lòng với người khác, đối thoại, hợp tác để xây dựng đất nước Madagascar hòa bình và hy vọng.
Vào lúc 9 giờ 50 sáng, ĐTC Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại cánh đồng giáo phận ở Soamandrakizay, nơi đã diễn ra buổi canh thức giới trẻ chiều tối thứ bảy 7/9.
Đến nơi trước giờ cử hành Thánh lễ, ĐTC Phanxicô đi xe mui trần vòng quanh cánh đồng để chào khoảng một triệu tín hữu đang hân hoan vui mừng chào đón vị cha chung của Giáo hội và tham dự Thánh lễ do ngài cử hành. Chiếc xe mui trần được sử dụng trong 2 ngày tại Madagascar là một chiếc xe được sản xuất hoàn toàn tại Madagascar, tuy đơn sơ nhưng đáp ứng tất cả các yêu cầu được dùng cho ĐTC Phanxicô đi lại giữa dân chúng: an toàn và gần gũi.
Thánh lễ được cử hành theo phụng vụ Chúa nhật XXIII thường niên. Cạnh bàn thờ có thánh tích của chân phước Rafael Luis Rafiringa, tu sĩ dòng Lasan người Madagascar, một nhà giáo dục, giáo lý viên, người trung gian hòa bình, người đã hướng dẫn Giáo hội địa phương trong thời điểm khó khăn vào cuối những năm 1800. Ngài được phong chân phước ngày 7/6/2009 tại thủ đô Antananarivo này.
Đồng tế với ĐTC Phanxicô trong Thánh lễ có các Hồng y, Giám mục Madagascar và hàng trăm linh mục.
Bài Tin Mừng Thánh lễ Chúa nhật hôm nay trích từ Tin Mừng thánh Luca 14, 25-33. ĐTC Phanxicô đã dựa vào câu: “Ai trong anh em không từ bỏ tất cả những gì mình có thì không thể làm môn đệ của Thầy”, để giải thích các yêu cầu Chúa Giêsu đặt ra cho người muốn theo Chúa.
Bài giảng của ĐTC Phanxicô
Tin Mừng hôm nay thuật lại với chúng ta rằng “một đám đông đi cùng Chúa Giêsu” (Lc 14,25). Như đám đông tụ họp dọc theo hành trình của Chúa Giêsu, rất đông anh chị em đã đến đây để đón nhận sứ điệp của Chúa và để theo Người. Nhưng anh chị em biết rằng hành trình theo Chúa Giêsu không dễ dàng. Tin mừng thánh Luca hôm nay đã nhắc cho chúng ta thấy sự dấn thân này đòi hỏi rất nhiều.
Hy sinh chỉ có ý nghĩa khi được nhìn dưới ánh sáng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô
Chúng ta cần nhận ra rằng thánh Luca đưa ra những yêu cầu trong bối cảnh Chúa Giêsu lên Jerusalem. Thánh sử bắt đầu với dụ ngôn về bữa tiệc mà tất cả mọi người đều được mời (đặc biệt là những người bị chối bỏ, sống trên đường phố, tại các quảng trường, ở các ngã tư đường). Và ngài kết thúc bằng ba dụ ngôn được gọi là các dụ ngôn của lòng thương xót. Trong các dụ ngôn này, người ta tổ chức tiệc mừng khi tìm thấy những gì đã mất, khi một người dường như đã chết được vui mừng chào đón và được trở lại với cuộc sống mà anh ta có thể làm lại từ đầu. Đối với các Kitô hữu chúng ta, những hy sinh chỉ có ý nghĩa khi được nhìn dưới ánh sáng của việc hân hoan cử hành cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.
Mọi người là anh em bất kể gia đình, nguồn gốc văn hóa xã hội
Yêu cầu đầu tiên của Chúa Giêsu liên quan đến các mối quan hệ gia đình. Cuộc sống mới mà Chúa đề xuất với chúng ta dường như có vấn đề và biến thành một sự bất công khó chấp nhận đối với những người tin rằng đường vào Nước Trời có lẽ là bị giới hạn hoặc giản lược vào các mối quan hệ huyết thống, hay thành viên của một nhóm đặc biệt, một gia tộc hoặc một nền văn hóa đặc biệt. Khi “thân tộc” trở thành tiêu chuẩn quyết định cho những gì chúng ta cho là đúng và tốt, chúng ta sẽ đi đến chỗ biện minh và thậm chí “thánh hiến” cho một số hành động dẫn đến văn hóa đặc quyền và loại trừ (thiên vị, đỡ đầu, và hậu quả là tham nhũng). Thầy Giêsu yêu cầu chúng ta phải nhìn xa hơn những điều này. Người nói với chúng ta cách rõ ràng: bất cứ ai không thể xem người khác là anh chị em, không thể cảm thông cho cuộc sống và hoàn cảnh của họ bất kể gia đình, nguồn gốc văn hóa, xã hội của họ, thì “không thể là môn đệ của ta” (Lc 14,26). Tình yêu tận hiến của Người là một món quà ban nhưng không cho tất cả và vì tất cả.
Không lạm dụng danh Chúa và tôn giáo
Yêu cầu thứ hai của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng thật khó mà theo Chúa nếu chúng ta cố gắng định nghĩa Nước Trời với kế hoạch riêng của chúng ta hay sự gắn kết của chúng ta với một ý thức hệ lạm dung tên của Thiên Chúa hay tôn giáo để biện minh cho các hành vi bạo lực, chia rẽ và thậm chí sát hại, lưu đày, khủng bố và gạt ra ngoài lề. Yêu cầu của Chúa khuyến khích chúng ta không nên pha loãng hay thu hẹp sứ điệp Tin Mừng, nhưng trái lại, xây dựng lịch sử trong tình huynh đệ và liên đới, với sự tôn trọng hoàn toàn đối với trái đất và những quà tặng của nó, chống lại bất kỳ hình thức bóc lột nào. Nó mời gọi chúng ta thực hành «đối thoại như con đường; hợp tác chung như chỉ nam; hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chí ” (Tài liệu về tình huynh đệ của con người, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019); không đầu hàng trước cám dỗ của một số học thuyết không nhận ra rằng cây lúa và cỏ lùng phải phát triển cùng nhau cho đến khi ông chủ mùa gặt trở lại (xem Mt 13,24-30).
Sự an lành giả tạo của quyền lực, tiền bạc, danh vọng
Và cuối cùng: thật khó khăn để chia sẻ cuộc sống mới mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta liên tục bị thúc đẩy để biện minh cho chính mình, bởi vì chúng ta tin rằng mọi thứ hoàn toàn được quyết định bởi sức mạnh của chúng ta và từ những gì chúng ta sở hữu; hay như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, khi cuộc đua sở hữu tài sản trở nên ngột ngạt và quá mức, nó chỉ làm gia tăng sự ích kỷ và sẵn sàng sử dụng các phương tiện vô đạo đức. Đòi hỏi của Chúa chính là lời mời gọi chúng ta tái khám phá lòng biết ơn và nhận ra rằng cuộc sống và khả năng của chúng ta là kết quả của một quà tặng quý giá hơn nhiều so với chiến thắng cá nhân (xem Tông huấn Gaudete et exsultate, 55), một quà tặng được Thiên Chúa ban qua sự cộng tác âm thầm của nhiều người mà tên của họ chúng ta sẽ chỉ biết trên Nước Trời.
Hình thức nô lệ tồi tệ nhất: chỉ sống cho chính mình
Với ba yêu cầu này, Chúa muốn chuẩn bị cho các môn đệ của Người tham gia cử hành ngày Nước Chúa đến, và giải thoát họ khỏi chướng ngại vật to lớn, mà cuối cùng được xem là một trong những hình thức nô lệ tồi tệ nhất: đó là sống cho chính mình. Đó là cám dỗ khép mình trong vũ trụ nhỏ bé của chính mình, và kết quả là nghĩ rất ít cho người khác: người nghèo không còn được quan tâm, không còn nghe tiếng nói của Thiên Chúa, không còn nếm hưởng niềm vui ngọt ngào của tình yêu, không còn nhiêt tình làm điều tốt… Nhiều người, bằng cách khép kín này, có thể cảm thấy thật an toàn, nhưng cuối cùng họ trở nên cay đắng, rầu rĩ và không có sức sống. Đây không phải là cách để sống cuộc sống tràn đầy và xứng đáng; đây không phải là mong muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta cũng không phải là sự sống trong Thánh Linh, sự sống phát xuất từ trái tim của Chúa Kitô phục sinh (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 2).
Trên đường lên Giêrusalem, với những yêu cầu này, Chúa mời gọi chúng ta hướng nhìn lên cao, điều chỉnh các ưu tiên và trên hết là dành chỗ để Chúa trở thành trung tâm và nền tảng của cuộc đời chúng ta.
Đau khổ không nằm trong kế hoạch của Chúa
Chúng ta hãy nhìn xung quanh mình, có bao nhiêu người nam nữ, thanh niên, trẻ em đang đau khổ và thiếu thốn tất cả! Đây không phải là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa. Lời Chúa Giêsu khẩn thiết mời gọi chúng ta chết đi cho tính quy kỷ, cho chủ nghĩa cá nhân và tính cao ngạo của mình. Bằng cách này, chúng ta có thể để cho Thần khí của tình huynh đệ chiến thắng – Thần khí xuất phát từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô, và từ nơi đó chúng ta được sinh ra như gia đình của Thiên Chúa – trong Thần khí này tất cả mọi người có thể cảm thấy được yêu thương, bởi vì họ được hiểu, được chấp nhận và đánh giá cao với phẩm giá. “Trước nhân phẩm bị chà đạp, chúng ta thường khoanh tay hoặc giang tay như dấu chỉ bất lực trước sức mạnh tà ác của bóng tối. Nhưng Kitô hữu không thể đứng khoanh tay, thờ ơ, hoặc buông tay bất lực. Không. Người tín hữu phải đưa tay ra, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta”(Bài giảng nhân Ngày Thế giới Người nghèo, 18 tháng 11 năm 2018).
Lời Chúa chúng ta vừa nghe mời gọi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình, dám thực hiện bước nhảy vọt này và sống sự khôn ngoan từ bỏ mình như là nền tảng cho công bằng xã hội và cuộc sống cá nhân: bởi vì cùng với nhau, chúng ta có thể chống lại tất cả những hình thức thờ ngẫu tượng khiến chúng ta chỉ nghĩ đến sự an toàn giả dối về quyền lực, sự nghiệp và tiền bạc và tìm kiếm danh vọng của con người.
Sự sống mới
Những yêu cầu mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta sẽ không còn nặng nề khi chúng ta bắt đầu nếm hưởng niềm vui của cuộc sống mới mà Chúa đem đến cho chúng ta. Đó là niềm vui biết rằng Chúa là Đấng đầu tiên đến và tìm kiếm chúng ta ở ngã tư đường, ngay cả khi chúng ta lạc lối như con chiên hay như đứa con hoang đàng. Xin cho chủ nghĩa duy thực khiêm nhường này, một chủ nghĩa duy thực Kitô giáo, thúc đẩy chúng ta đối mặt với những thách thức lớn lao, và đem lại cho anh chị em mong muốn biến đất nước xinh đẹp của anh chị em thành một nơi mà Tin Mừng có thể trở thành sự sống, và nơi mà cuộc sống là vì vinh quang cao cả hơn của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy dấn thân và biến kế hoạch của Chúa thành của chính chúng ta.
Dân Madagascar cảm kích phong cách người nghèo của ĐTC Phanxicô
Vào cuối Thánh lễ, Đức cha Razanakolona, Tổng Giám mục Antananarivo, đã bày tỏ niềm vui của Giáo hội nước khi được đón tiếp ĐTC Phanxicô. Đức cha cám ơn ĐTC Phanxicô nhận lời viếng thăm nước này và đến như người gieo hòa bình và hy vọng, để củng cố các tín hữu trong đức tin và trong việc dấn thân vì người nghèo. Đặc biêt, Đức cha nói rằng người dân Madagascar không chỉ cảm kích giáo huấn của Đức Thánh Cha nhưng cả phong cách cá nhân của ngài, phong cách của người nghèo.
Cầu nguyện với Mẹ Maria và chân phước Rafael Luis Rafiringa
Trong bài đáp từ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô cám ơn Đức cha Razanakolona,, các Giám mục, linh mục tu sĩ và tất cả tín hữu. ĐTC Phanxicô cũng cám ơn Tổng thống và chính quyền dân sự đã nồng nhiệt đón tiếp ngài. Ngài cũng cám ơn tất cả những người đã cộng tác để chuyến viếng thăm của ngài được thành công tốt đẹp.
ĐTC Phanxicô cầu xin Chúa qua lời chuyển cầu của chân phước Rafael Luis Rafiringa trả công và ban phúc lành cho tất cả.
Cuối cùng ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Mẹ Maria trong ngày Sinh nhật Đức Mẹ, bình mình ơn cứu độ của nhân loại. Xin Mẹ Maria Vô nhiễm mà anh chị em yêu quý và tôn kính như người Mẹ và Đấng Bảo trợ, luôn đồng hành trên hành trình hòa bình và hy vọng của Madagascar.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican