Hài hòa bên trong con người. Bên trong, trong trái tim, các môn đệ cần được thay đổi. Câu chuyện của họ cho chúng ta thấy rằng ngay cả khi nhìn thấy Đấng Phục sinh cũng chưa đủ nếu không đón Ngài vào tim mình. Chẳng hữu ích nếu biết rằng Đấng Phục sinh đang sống nếu không sống nhờ Đấng Phục sinh.
Sáng Chúa Nhật 9/6, lúc 10:30 tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô cử hành thánh lễ trọng thể Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, kết thúc Mùa Phục Sinh. Hiện diện trong thánh lễ có nhiều hồng y, giám mục, linh mục và khoảng 25 ngàn tín hữu. Trời Roma nắng khá gắt và đã bắt đầu nóng sau những tháng mùa xuân mát dịu.
Chúng tôi xin gởi đến quý vị bài giảng của ĐTC Phanxicô trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Đối với các môn đệ, Lễ Ngũ Tuần đến sau năm mươi ngày nghi ngại. Một đàng Chúa Giêsu đã Phục sinh. Họ tràn đầy niềm vui vì đã thấy, đã nghe và cũng đã cùng ăn với Ngài. Đàng khác, họ vẫn chưa vượt qua những nghi ngờ và sợ hãi: họ vẫn ẩn mình sau cánh cửa đóng kín (x. Ga 20,19,26), với quá ít ánh sáng phía trước, họ chưa đủ khả năng loan báo về Đấng Phục Sinh. Sau đó, Chúa Thánh Thần đến và những lo lắng tan biến: bây giờ các Tông đồ không sợ hãi nữa, ngay cả trước những người bắt giữ họ. Trước đây họ lo lắng cứu lấy mạng sống mình, bây giờ họ không còn sợ chết nữa; Trước đây họ đóng mình trong Nhà Tiệc Ly, bây giờ họ loan báo cho tất cả mọi người. Trước khi Chúa lên trời, họ chờ Nước Thiên Chúa đến với họ (x. Cv 1,6), bây giờ họ rất háo hức đi đến những vùng đất chưa từng biết. Trước đây hầu như họ chưa bao giờ nói trước công chúng và khi họ nói thì thường gây vấn đề, như Phêrô đã chối Chúa Giêsu; bây giờ họ loan báo cho mọi người.
Câu chuyện của các môn đệ, dường như khi đến hồi cuối họ lại được đổi mới nhờ sự trẻ trung của Chúa Thánh Thần: những người trẻ ấy, lúc cảm thấy chẳng chắc chắn, lại được biến đổi nhờ niềm vui khiến họ được tái sinh. Chính Chúa Thánh Thần đã làm điều này.
Thánh Thần không phải là một điều trừu tượng như chúng ta có cảm tưởng. Ngài là Đấng cụ thể nhất, gần gũi nhất, là Đấng làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Điều đó thế nào? Hãy nhìn vào các Tông đồ. Thánh Thần không làm mọi thứ dễ dàng hơn cho họ, không làm những phép lạ ngoạn mục, không cất đi những vấn đề và những người chống đối. Thánh Thần mang vào cuộc sống của các môn đệ một sự hài hòa mà họ thiếu, bởi vì Ngài là sự hài hòa.
Hài hòa bên trong con người. Bên trong, trong trái tim, các môn đệ cần được thay đổi. Câu chuyện của họ cho chúng ta thấy rằng ngay cả khi nhìn thấy Đấng Phục sinh cũng chưa đủ nếu không đón Ngài vào tim mình. Chẳng hữu ích nếu biết rằng Đấng Phục sinh đang sống nếu không sống nhờ Đấng Phục sinh. Và chính Thần Khí làm cho Chúa Giêsu sống và sống lại trong chúng ta, cũng làm cho chúng ta phục sinh tự bên trong. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu gặp các môn đệ và không ngừng lặp lại: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19.21) và trao ban Thánh Thần. Bình an không phải là sửa chữa lại các vấn đề bên ngoài – Thiên Chúa không cất đi những đau khổ và bắt bớ – nhưng bình an là nhận lấy Chúa Thánh Thần. Sự bình an đó được ban cho các Tông đồ, đó là bình an không chạy trốn vấn đề nhưng vào trong những vấn đề được ban cho mỗi người chúng ta. Đó là một sự bình an làm cho trái tim giống như biển sâu, luôn lặng tĩnh mặc cho bề mặt sóng vỗ. Đó là một sự hài hòa sâu xa đến mức nó thậm chí có thể biến sự bách hại thành mối phúc.
Ngược lại, bao lần chúng ta vẫn còn trên bề mặt! Thay vì tìm kiếm Thánh Thần, chúng ta vẫn cố lướt lướt, nghĩ rằng mọi thứ sẽ tốt hơn nếu rắc rối qua đi, nếu tôi không gặp lại người đó nữa, nếu tình hình được cải thiện. Nhưng nó vẫn ở trên bề mặt: qua khỏi vấn đề này vấn đề khác lại xảy đến và nỗi âu lo sẽ trở lại.
Hôm nay, với sự vội vàng của thời đại chúng ta, dường như sự hài hòa bị gạt ra bên lề. Bị phân tán bởi hàng ngàn nỗi bận tâm, chúng ta rơi vào nguy cơ căng thẳng liên tục khiến chúng ta phản ứng tiêu cực với mọi thứ. Và người ta tìm giải pháp nhanh chóng, dùng hết thuốc này đến thuốc khác để tiếp tục đi, nhưng giấu cảm xúc phía sau để sống.
Nhưng chúng ta cần Thánh Thần: chính Ngài là Đấng sắp xếp lại những quây cuồng của chúng ta. Ngài là bình an nơi náo loạn, tin tưởng nơi chán chường, niềm vui chỗ buồn phiền, trẻ trung nơi già cỗi, can đảm nơi thử thách.
Giữa dòng chảy siết của cuộc sống, chính Ngài sửa lại mỏ neo hy vọng. Như thánh Phaolô nói hôm nay, chính Thánh Thần không để chúng ta sợ hãi vì Ngài làm cho chúng ta cảm nhận mình được yêu thương (x. Rm 8,15).
Thánh Thần là Đấng An ủi, Đấng truyền cho chúng ta sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không có Thánh Thần, đời sống Kitô hữu bị sờn mòn, bị mất đi tình yêu liên kết mọi sự. Không Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn là một nhân vật của quá khứ, với Thánh Thần, Ngài là người sống hôm nay. Không Thánh Thần, Kinh Thánh là một lá thư chết, với Thánh Thần, đó là Lời sự sống. Một Kitô giáo không Thánh Thần là một nền đạo đức không niềm vui; với Thánh Thần, đó là sự sống.
Chúa Thánh Thần không chỉ mang lại sự hài hòa bên trong, mà cả bên ngoài, giữa những con người. Ngài làm chúng ta thành Giáo hội, kết hợp các thành phần khác nhau trong một tòa nhà hài hòa duy nhất. Thánh Phaolô, khi nói về Giáo hội, đã giải thích rõ khi lặp lại một từ “khác nhau”: “đặc sủng khác nhau, hoạt động khác nhau, sứ vụ khác nhau” (1 Cr 12,4-6). Chúng ta khác nhau trong sự đa dạng về phẩm chất và ơn riêng. Thánh Thần phân phối những điều ấy với sự sáng tạo, không cào bằng, không đồng hoá. Và, khởi đi từ những khác biệt này, Ngài xây dựng sự thống nhất. Ngài làm như vậy từ đầu công trình sáng tạo, bởi vì Ngài là chuyên gia biến sự hỗn loạn thành vũ trụ, sắp đặt sự hài hòa.
Ngày nay, trong thế giới mất hài hoà, mọi sự bị chia rẽ: có người có quá nhiều và có người không có gì, có người gắng sống trăm tuổi và có người chưa kịp chào đời để nhìn thấy ánh sáng. Trong thời đại máy tính, chúng ta giữ khoảng cách với nhau: “mạng xã hội” nhưng lại ít “xã hội tính” hơn. Chúng ta cần Thánh Thần hiệp nhất, tái sinh chúng ta như là Giáo hội, là Dân Thiên Chúa và là nhân loại huynh đệ.
Chúng ta luôn có cám dỗ xây dựng những “cái tổ”: tụ họp xung quanh nhóm của mình, theo sở thích của mình, tương đồng với người giống mình và dị ứng với mọi ô nhiễm. Từ “cái tổ” đến “bè phái” chỉ là một bước ngắn: bao nhiêu lần người ta định danh mình chống lại một ai đó hoặc điều gì đó! Ngược lại, Thánh Thần kết nối những kẻ ở xa, hiệp nhất những xa cách, mang về những ai li tán.
Thánh Thần pha trộn những tông màu khác nhau thành một sự hài hòa duy nhất, bởi vì trước hết Ngài nhìn thấy điều tốt đẹp, Ngài nhìn thấy một con người trước khi nhìn thấy những sai lầm của người đó, Ngài nhìn vào con người trước khi vào hành động của họ. Thánh Thần tạo hình Giáo hội và thế giới là nơi của những người con và anh em của nhau. Những người con và anh em: là danh từ trước mọi tính từ khác. Thật tiếc, ngày nay điều này bị xúc phạm. Ngược lại, người sống theo Thánh Thần thì mang lại hoà bình nơi có bất hòa, hòa hợp nơi có xung đột. Người thiêng liêng lấy điều tốt để đáp lại điều xấu, đối lại kiêu ngạo bằng sự nhu mì, ác tâm bằng lòng tốt, ồn ào bằng sự thinh lặng, đáp lại nói xấu bằng lời cầu nguyện, chủ bại bằng nụ cười.
Để trở nên người thiêng liêng, để tận hưởng sự hài hòa của Thánh Thần, chúng ta phải biết nhìn vào bên trong chúng ta. Rồi mọi sự thay đổi: với Thánh Thần, Giáo hội là Dân thánh của Thiên Chúa, sứ mạng là lan truyền niềm vui, những anh chị em khác nhau được yêu thương bởi cùng một Cha. Nhưng nếu không có Thánh Thần, Giáo hội là một tổ chức, sứ mạng là tuyên truyền, hiệp thông chỉ là ép buộc. Thánh Thần là nhu cầu đầu tiên và cuối cùng của Giáo hội (X. Thánh Phaolô VI, tiếp kiến 29/11/ 1972). Ngài đến “Ngài nơi được yêu, nơi Ngài được mời, nơi Ngài được chờ đợi” (Thánh. Bonaventura, Bài giảng cho Chủ nhật thứ Tư sau lễ Phục sinh).
Chúng ta cầu xin với Thánh Thần mỗi ngày. Lạy Chúa Thánh Thần, sự hài hòa của Thiên Chúa, Đấng biến sợ hãi thành tin tưởng và đóng kín thành món quà, xin hãy đến với chúng con. Xin ban cho chúng con niềm vui phục sinh, tâm hồn trẻ trung mãi mãi.
Lạy Chúa Thánh Thần, sự hài hòa của chúng con, Ngài làm cho chúng con trở thành một thân thể, truyền ban bình an của Ngài cho Giáo hội và cho thế giới. Xin làm cho chúng con thành những nghệ nhân của sự hài hòa, rắc gieo những điều tốt lành, và làm tông đồ của hy vọng.
Văn Yên, SJ
Nguồn: Đài Vatican