Trong bài giảng ĐTC Phanxicô nói: hôm nay là lễ của sự gặp gỡ. Sự mới mẻ của Hài Nhi gặp gỡ truyền thống của đền thờ; lời hứa được hoàn thành; Đức Mẹ và thánh Giuse, những người trẻ, gặp cụ Simeon và Anna, những người già. Tất cả gặp gỡ nhau khi Chúa Giêsu đến.
Vì thế, chúng ta cũng được kêu gọi để đón lấy Đức Giêsu, Đấng đến để gặp gỡ chúng ta. Gặp gỡ ngài: Thiên Chúa của sự sống đến gặp sự sống hằng ngày; không phải đôi khi, nhưng là hằng ngày… Chúa không gặp trong không gian ảo, nhưng là gặp trực tiếp, gặp trong cuộc sống. Nếu không, Giêsu chỉ là một kỷ niệm đẹp của quá khứ… Cần sống tốt đời sống thánh hiến của chúng ta, để nó không phải là thời gian qua đi nhưng là thời gian gặp gỡ.
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh: “Đời sống thánh hiến cần đơm hoa và nở rộ trong Giáo hội; nếu chỉ đơn độc, nó sẽ chết đi. Nhưng nó sẽ trưởng thành khi người trẻ và người già cùng nhau bước đi, khi người trẻ tìm thấy gốc rễ và người già thì đón lấy những hoa trái.”
Trong bài Tin Mừng, việc gặp gỡ Thiên Chúa với dân có một điểm xuất phát và một điểm hoàn thiện, bắt đầu lời mời đến đền thờ, và gặp được viễn tượng tại đền thờ. Về lời mời thì có lời mời kép: thứ nhất là tiếng gọi “theo Luật” (c. 22). Đó là việc thánh Giuse và Đức Maria đến đền thờ để chu toàn điều được viết trong sách Luật. Kế đó là tiếng gọi “theo Thần Khí”. Đó là nơi cụ Simêon và Anna. Có ba lần Thần Khí được nhắc đến khi nói về cụ Simeon (cc. 25.26.27) và ngôn sứ Anna, với sự soi sáng của Thần Khí, đã ngợi khen Chúa (x c. 38). Với lời mời kép này, tất cả chúng ta, những người sống trong đời thánh hiến, cũng được mời gọi theo một sự vâng lời kép: với lề luật – về những gì trật tự tốt đẹp trong đời sống – và với Thánh Thần, Đấng làm nên những điều mới mẻ cho cuộc sống.
Để hiểu hơn về lời mời này, chúng ta hãy nhìn vào những ngày đầu trong sứ vụ của Chúa Giêsu, tại đền thờ với khởi đầu sứ mạng công khai của Chúa, tại Cana với việc hoá nước thành rượu. Tại đây, có một lời mời vâng phục. Đức Mẹ nói: “Ngài nói gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Chúa Giêsu đã yêu cầu một điều cụ thể; Ngài không làm điều gì mới ngay, không quan tâm đến việc thiếu rượu, nhưng yêu cầu một điều cụ thể. Ngài bảo hãy đổ đầy sáu chum nước. Việc này là khó, vì phải đổ khoảng 600 lít nước vào chum. Điều này có vẻ vô ích, vì người ta thiếu rượu chứ đâu thiếu nước. Nhưng từ đó Chúa đã hoá nước thành rượu. Và cũng như thế đối với chúng ta. Chúa kêu mời chúng ta gặp Ngài qua sự tín trung trong những điều cụ thể: cầu nguyện hằng ngày, Thánh Lễ, Xưng Tội, đức ái thực sự, Lời Chúa mỗi ngày. Những việc cụ thể còn là vâng lời bề trên và Tu Luật. Khi thực hành những điều cụ thể đó, Thánh Thần sẽ mang lại điều kinh ngạc từ Thiên Chúa, như đã xảy ra tại đền thờ và tại Cana.
Nếu sự gặp gỡ khởi đi từ tiếng gọi thì đạt đến đỉnh cao nơi viễn tượng. Ông Simêon nói: “chính mắt tôi được nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2,30). Nhìn thấy Hài Nhi và nhìn thấy ơn cứu độ. Không phải ông nhìn thấy Đấng Mêsia làm những điều kỳ dịu, nhưng là nhìn thấy một trẻ nhỏ. Không phải nhìn thấy gì lạ thường, nhưng là Giêsu cùng với cha mẹ. Khi đã thấy Hài Nhi, Simeon không xin gì và cũng không muốn gì thêm. Ông ẵm Hài Nhi, trên tay và nói: “nunc dimittis, giờ đây xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (c. 29). Trong Ngài, ông tìm được ý nghĩa tối hậu của cuộc đời. Và đây là viễn tượng của đời sống thánh hiến, một viễn tượng đơn sơ và mang tính ngôn sứ, nơi đó chỉ có Chúa trên tay và trước mắt, và không phục vụ gì khác.
ĐTC Phanxicô kết luận: Đời sống thánh hiến không phải là để sống còn, nhưng là đời sống mới. Là gặp gỡ sống động với dân của Ngài. Là lời mời vâng phục trung tín mỗi ngày và ngạc nhiên trong Thánh Thần. Là viễn tượng mang lấy để có niềm vui: Giêsu.
Văn Yên, SJ
Nguồn: Đài Vatican