ĐTC Phanxicô: Đạo đức trí tuệ nhân tạo phải bảo vệ lợi ích gia đình nhân loại

11/01/2023

Sáng thứ Ba 10/01/2023, ĐTC Phanxicô tiếp những người đã ký vào “Rome Call for AI Ethics. Lời kêu gọi Roma cho Đạo đức trí tuệ nhân tạo”. Ngài khen ngợi nỗ lực của những người này trong việc bảo vệ lợi ích gia đình nhân loại, thúc đẩy đạo đức chung và tình huynh đệ, đồng thời cảnh giác sự lạm dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo.

Lời kêu gọi về Đạo đức trí tuệ nhân tạo là một tài liệu được ký kết vào ngày 28/02/2022, tại Roma, bởi Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, Microsoft, công ty công nghệ IBM, Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) và chính phủ Ý. Mục đích nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm chung giữa các tổ chức quốc tế, chính phủ và tư nhân nhằm nỗ lực tạo ra một tương lai, trong đó đổi mới kỹ thuật số và tiến bộ công nghệ trao cho nhân loại vị trí trung tâm.

Trong buổi tiếp kiến, trước hết, ĐTC Phanxicô bày tỏ vui mừng khi thấy có sự tham gia của các phái đoàn Do Thái và Hồi giáo cho Lời kêu gọi này. Ngài nói: “Sự hoà hợp của quý vị trong việc thúc đẩy một nền văn hóa đặt công nghệ phục vụ công ích cho tất cả mọi người và chăm sóc ngôi nhà chung là mẫu gương cho nhiều người khác. Tình huynh đệ là điều kiện để phát triển công nghệ nhằm phục vụ công lý và hoà bình ở khắp nơi”.

ĐTC Phanxicô nhìn nhận rằng trí tuệ nhân tạo ngày càng hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu thế giới và chính mình, đồng thời khuyến khích các tham dự viên buổi gặp gỡ tiếp tục nỗ lực này.

ĐTC Phanxicô khuyến khích đạo đức thuật toán, nghĩa là suy tư đạo đức về việc sử dụng thuật toán, cần hiện diện không chỉ trong cuộc tranh luận công khai nhưng còn trong việc phát triển các giải pháp kỹ thuật. Bởi vì, mọi người phải được hưởng sự phát triển nhân bản và hỗ trợ, không ai bị loại trừ.

Tiếp đến, ĐTC Phanxicô nhắc mọi người cần phải thận trọng trong khi làm việc để đảm bảo rằng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương không bị loại ra khỏi công nghệ. Chính khi quan tâm đến những người rốt cùng này, họ sẽ giúp chúng ta nhận ra giá trị của thân phận con người. Ở điểm này, Lời kêu gọi Roma có thể là một công cụ hữu ích cho cuộc đối thoại chung giữa tất cả mọi người, nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người đối với các công nghệ mới, bởi vì nhân quyền tạo thành một điểm hội tụ quan trọng cho việc tìm kiếm nền tảng chung. Theo nghĩa này, sự tham gia ngày càng tăng đối với tài liệu là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy nhân học kỹ thuật số, với ba phối hợp cơ bản: đạo đức, giáo dục và luật pháp.

Ngọc Yến 

Nguồn: Đài Vatican News