Chiều thứ bảy, vào lúc 18 giờ 30’, tại Tòa Khâm Sứ, ĐTC Phanxicô có buổi nói chuyện với các Giám mục Nhật Bản. Đây là hoạt động đầu tiên của ĐTC Phanxicô trong chuyến tông du. Nội dung bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô xoay quanh các chủ đề: Tình cảm cá nhân của ĐTC Phanxicô đối với Nhật Bản; khẩu hiệu cuộc viếng thăm “Bảo vệ mọi sự sống”; những vấn đề của xã hội Nhật và sứ vụ của các Giám mục.
Tòa Khâm sứ của Tokyo nằm ở quận Chiyoda, thủ đô Nhật Bản. Trong cùng một khu vực có nhiều văn phòng thương mại và ngoại giao. Tòa nhà được xây theo kiểu hiện đại và có một công viên lớn bao quanh tòa nhà.
Hội đồng Giám mục Nhật Bản gồm các Giám mục của 3 Tổng Giáo phận và 13 Giáo phận; được thành lập vào năm 1941 như “tổ chức Công giáo Nhật Bản”; năm 1945 đã trở thành “Liên đoàn Công giáo Liên giáo phận” và sau đó, vào năm 1952 chính thức với tên gọi “Hội đồng Giám mục Nhật Bản”. Chủ tịch của HĐGM là Đức cha Joseph Mitsuaki Takami, Tổng Giám mục Nagasaki.
Khi tới nơi, vào lúc 18giờ 30, ĐTC Phanxicô được một nhóm 200 tín hữu đón tiếp. Tại đây, sau lời chào ngắn của Đức cha, Chủ tịch HĐGM, ĐTC có bài diễn văn dành cho các Giám mục.
Tình cảm cá nhân đối với Nhật Bản
Trước hết, ĐTC Phanxicô nói về tình cảm cá nhân của ngài đối với Nhật Bản. ĐTC Phanxicô cho biết khi còn trẻ, ngài đã nghe nói nhiều về vùng đất này và đem lòng yêu mến: “Ước muốn ra đi truyền giáo luôn ấp ủ trong tôi, chỉ đợi ngày thực hiện.Và hôm nay Chúa đã cho tôi cơ hội ở giữa anh em như một người hành hương truyền giáo theo bước chân của các vị truyền giáo vĩ đại”. ĐTC Phanxicô nhắc đến Thánh Phanxicô Xavier, cách đây 470 năm đã tới đây, đánh dấu sự khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng; tiếp đến, thánh Phaolô Miki cùng các bạn tử đạo và Chân phước Justo Takayama Ukon. Chính việc dâng hiến của các thánh đã làm cho đức tin của các tín hữu kiên vững, giúp cộng đoàn Kitô giáo nhỏ bé phát triển, củng cố và sinh hoa trái. Điều này được minh chứng rõ nhất nơi các “Kitô hữu hầm trú” ở khu vực Nagasaki, những người đã giữ đức tin qua nhiều thế hệ chỉ nhờ Bí tích Rửa tội, cầu nguyện và giáo lý.
Khẩu hiệu cuộc viếng thăm “Bảo vệ mọi sự sống”
ĐTC Phanxicô nhắc đến khẩu hiệu của chuyến tông du: “‘Bảo vệ mọi sự sống’, khẩu hiệu này cũng có thể tượng trưng cho thừa tác vụ giám mục của chúng ta. Từ dân của mình, Giám mục được Chúa kêu gọi, và rồi để được trao lại cho dân chúng một mục tử có khả năng bảo vệ mọi sự sống”.
ĐTC Phanxicô giải thích thêm: “Bảo vệ mọi sự sống có nghĩa là, trước hết, có một ánh mắt chiêm nghiệm, có khả năng yêu thương cuộc sống của tất cả những người được giao phó cho anh em, để nhận ra, trước hết đó là một món quà của Chúa. Bảo vệ mọi sự sống và loan báo Tin Mừng không phải là hai điều riêng biệt hay đối lập nhau”.
Sứ vụ loan báo Tin Mừng
“Chúng ta biết rằng ở Nhật Bản, Giáo hội rất nhỏ bé và người Công giáo chỉ là thiểu số, nhưng điều này không làm giảm lòng nhiệt thành dấn thân truyền giáo của anh em. Lòng hiếu khách và quan tâm mà anh em đã có đối với nhiều công nhân nước ngoài, không chỉ như một việc làm chứng của Tin Mừng trong xã hội Nhật Bản, mà còn minh chứng cho tính phổ quát của Giáo hội, tỏ cho thấy rằng sự hợp nhất của chúng ta với Chúa Kitô, Đấng mạnh hơn bất kỳ sự ràng buộc hay bản sắc nào khác và có thể đạt được”.
“Vì thế, tôi khuyến khích anh em luôn nỗ lực, làm cho cộng đoàn Công giáo ở Nhật Bản biết làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng xã hội. Hoạt động tông đồ giáo dục của Giáo hội Nhật được đánh giá cao, đại diện cho một nguồn lực lớn công cuộc truyền giáo và thể hiện sự cam kết với các dòng chảy trí tuệ và văn hóa rộng lớn”.
Những vấn nạn trong xã hội
Đề cập đến thực trạng xã hội Nhật, ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta biết, thực tế có một số tai họa đang đe dọa cuộc sống của một số người trong cộng đoàn anh em; do bị cô đơn, tuyệt vọng. Việc gia tăng số vụ tự tử tại các thành phố, đang tạo ra các loại tâm bệnh và mất định hướng tâm linh mới. Những điều này, trước tiên ảnh hưởng đến những người trẻ! Xin anh em chú ý đặc biệt đến họ và nhu cầu của họ, cố gắng tạo ra những không gian, trong đó văn hóa hiệu quả và thành công có thể mở ra văn hóa của một tình yêu tự do và vị tha; có thể cung cấp cho mọi người khả năng có một cuộc sống hạnh phúc và thành công. Với lòng nhiệt thành, những ý tưởng và năng lượng mà anh em có thể trao ban, cũng như với việc đào tạo và sự đồng hành tốt, những người trẻ của anh em có thể là một nguồn hy vọng quan trọng cho các đồng nghiệp của họ và làm chứng sống bác ái Kitô”.
“Tôi biết lúa chính thì nhiều mà thợ thì ít, vì vậy tôi khuyến khích anh em tìm kiếm, nuôi dưỡng và phát triển một sứ vụ có khả năng liên quan đến các gia đình và thúc đẩy một việc đào tạo có khả năng tiếp cận mọi người ở nơi họ sống: điểm khởi đầu cho mọi hoạt động tông đồ đến từ nơi mọi người tìm thấy chính họ, với thói quen và nghề nghiệp của họ. Ở đó, chúng ta phải đạt đến linh hồn của các thành phố, nơi làm việc, của các trường đại học để đồng hành với các tín hữu được giao phó cho chúng ta với Tin Mừng về lòng trắc ẩn và lòng thương xót”.
Sau buổi nói chuyện với HĐGM Nhật Bản, ĐTC Phanxicô dùng cơm tối với các Giám mục cũng tại Tòa Khâm Sứ.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News