Gặp gỡ Hội Chữ Thập đỏ của Ý vào sáng ngày 6/4/2024, nhân kỷ niệm 160 năm thành lập của tổ chức, ĐTC Phanxicô cảm ơn sự phục vụ của họ tại các khu vực xung đột và các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường, trong các lĩnh vực giáo dục và y tế, trong việc giúp đỡ những người di cư, những người rốt cùng và dễ bị tổn thương nhất, và khuyến khích họ tiếp tục hoạt động bác ái vĩ đại trải rộng khắp nước Ý và thế giới.
Hội Chữ Thập đỏ của Ý được thành lập ngày 15/6/1864 để giúp đỡ và chăm sóc các nạn nhân của chiến tranh, không phân biệt quốc tịch, giai cấp xã hội, tôn giáo hay quan điểm chính trị.
Tình huynh đệ là có thể
ĐTC Phanxicô chia sẻ: “Sự dấn thân của anh chị em, được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc nhân đạo, vô vị lợi, trung lập, độc lập, tình nguyện, hiệp nhất và phổ quát, cũng là một dấu hiệu hữu hình cho thấy tình huynh đệ là điều có thể thực hiện được. Nếu con người được đặt ở trung tâm, chúng ta có thể đối thoại, cùng nhau làm việc vì công ích, vượt qua sự chia rẽ, phá bỏ những bức tường thù địch, vượt qua logic của lợi ích và quyền lực vốn làm mù quáng và biến người khác thành kẻ thù”.
Cần phải bảo vệ sự sống, đặc biệt là của những người dễ bị tổn thương nhất
Ngài nói thêm: “Đối với người có đức tin, mỗi con người đều thánh thiêng. Mọi con người được tạo dựng đều được Thiên Chúa yêu thương và vì lý do này, họ mang những quyền bất khả nhượng. Được thúc đẩy bởi niềm tin này, nhiều người thiện chí sẽ gặp nhau, nhận ra giá trị tối cao của sự sống và do đó, cần phải bảo vệ, đặc biệt là sự sống của những người dễ bị tổn thương nhất”.
“Mọi nơi, vì bất cứ ai”
ĐTC Phanxicô cầu chúc “Hội Chữ Thập Đỏ luôn là biểu tượng hùng hồn của tình yêu thương anh em không biên giới, dù là về địa lý, văn hóa, xã hội, kinh tế hay tôn giáo”, như khẩu hiệu họ chọn trong dịp kỷ niệm 160 năm ra đời – “Mọi nơi, vì bất cứ ai”. Ngài giải thích: “Ở mọi nơi, bởi vì không có bối cảnh nào có thể nói là thoát khỏi đau khổ, khỏi những vết thương về thể xác và tâm hồn, cả trong những cộng đồng nhỏ bé cũng như ở những nơi bị lãng quên nhất trên Trái đất”. “Ở mọi nơi và vì bất cứ ai, bởi vì xã hội của chúng ta là xã hội của cái tôi hơn là của chúng ta, của nhóm nhỏ hơn của mọi người. Từ ‘bất kỳ ai’ nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người đều có phẩm giá của mình và đáng được chúng ta quan tâm: chúng ta không thể làm ngơ hoặc loại bỏ họ vì hoàn cảnh, khuyết tật, nguồn gốc hoặc địa vị xã hội của họ”.
Ngài nhắc lại lời Thánh Phaolô: “Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người” (Cr 9,22) để mời gọi Hội Chữ Thập Đỏ Ý hoạt động theo phong cách đến với mọi người để mang niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. (CSR_1466_2024)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News