Kết thúc cuộc gặp gỡ chính quyền lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC Phanxicô đã đến nhà thờ Kaarli, hay là Carlo, của Giáo Hội Tin Lành Luther cách đó gần 4 cây số rưỡi để gặp gỡ các bạn trẻ Kitô, thuộc các hệ phái khác nhau. Thánh đường này, như hiện nay, được xây cách đây 156 năm (1856) và là nhà thờ lớn nhất trong thế kỷ 19 ở Tallin.
Mở đầu buổi gặp gỡ đại kết, hai thiếu niên, 1 Công Giáo và 1 Tin Lành Luther, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC Phanxicô trước khi vị TGM Luther ngỏ lời chào mừng ngài.
Nói với các bạn trẻ sau khi nghe 3 chứng từ ngắn của 3 đại diện Luther, Chính Thống và Công Giáo, ĐTC Phanxicô bày tỏ sự hài lòng về sự hiện diện của các bạn trẻ Kitô khác nhau tại đây và nói:
Mong muốn của Chúa Giêsu – các Kitô hữu được nên một
“Thật là điều luôn luôn tốt đẹp khi chúng ta họp nhau, chia sẻ chứng từ cuộc sống, biểu lộ những gì chúng ta nghĩ và mong muốn, và cũng thật là điều rất đẹp khi chúng ta ở cùng nhau, những người cùng tin nơi Chúa Giêsu. Những cuộc gặp gỡ này thể hiện giấc mơ của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly: ‘Ước gì tất cả chúng được nên một.. .để thế gian tin’” (Ga 17,21).
Giáo hội cần đồng hành và cảm thông với người trẻ
ĐTC Phanxicô đặc biệt nhắc đến bức tranh lớn ở hậu cung thánh đường với câu trích từ Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và bị đè nén, hãy đến cùng Ta và Ta sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11,28) và ngài nhận định rằng: các bạn trẻ Kitô có thể đồng hóa mình với một vài yếu tố trong đoạn Tin Mừng này.
Ám chỉ những cơ cực, vất vả và bất mãn mà nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy mình đang phải chịu, ĐTC Phanxicô nói đến lời than phiền của nhiều người trẻ thời nay cho rằng những người lớn chung quanh không biết điều họ muốn hoặc những mong đợi đối với những người trẻ, và nhiều khi những người lớn thấy các bạn trẻ hạnh phúc thì họ tỏ ra nghi kỵ, và nếu những người lớn ấy thấy các bạn trẻ lo âu thì họ lại coi nhẹ những điều ấy.
Giáo hội muốn là cộng đoàn minh bạch, thân thiện, có sức thu hút
ĐTC Phanxicô cho biết trong cuộc tham khảo ý kiến trước Thượng HĐGM sắp tới về giới trẻ, nhiều người trẻ yêu cầu được những người lớn đồng hành và cảm thông với họ, đừng phán xét hoặc lên án, nhưng biết lắng nghe người trẻ và trả lời cho những thắc mắc của họ.. ĐTC Phanxicô nói:
”Như các bạn đã nới với chúng tôi – chúng tôi biết rằng nhiều người trẻ chẳng yêu cầu chúng tôi điều gì vì họ cho rằng chúng tôi không phải là những người đối thoại đáng kể đối với cuộc sống của họ. Lại có một số người trẻ yêu cầu chúng tôi hãy để cho họ yên, vì họ cảm thấy sự hiện diện của Giáo Hội như một cái gì làm cho họ khó chịu, chán ngán, thậm chí làm cho họ bực tức. Họ phẫn nộ vì những vụ xì căng đan tính dục và kinh tế, mà họ không thấy Giáo Hội minh bạch lên án; họ phẫn nộ vì Giáo Hội không biết giải thích đúng đắn cuộc sống và sự nhạy cảm của người trẻ vì thiếu chuẩn bị, hoặc chỉ vì Giáo Hội chỉ dành cho họ vai trò thụ động trong Thượng HĐGM. Đó là một số yêu cầu của người trẻ. Chúng tôi muốn trả lời họ, chúng tôi muốn là một cộng đoàn minh bạch, hiếu khách, lương thiện, có sức thu hút, đả thông, dễ dàng lui tới, vui tươi và sẵn sàng trao đổi” (Inst. lab. 67).
Chúa Giêsu là động lực và nguồn an ủi của tất cả Kitô hữu
ĐTC Phanxicô nhắc lại đoạn Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng Chúa Cha, vì Chúa thấy rằng chỉ có một số ít người hiểu trọng tâm sứ điệp của Ngài và chính bản thân ngài. ĐTC Phanxicô nói:
”Khi thấy các bạn ở đây, hiệp nhau, ca hát, tôi cũng hiệp với tiếng nói của Chúa Giêsu và cảm thấy ngưỡng mộ vì mặc dù thiếu chứng tá của chúng tôi, các bạn vẫn tiếp tục khám phá thấy Chúa Giêsu giữa lòng các cộng đoàn của chúng ta. Vì chúng ta biết rằng nơi nào có Chúa Giêsu thì luôn luôn có sự đổi mới, luôn có cơ hội hoán cải, bỏ qua tất cả những gì chia cách chúng ta với Chúa và với anh chị em chúng ta. Nơi nào có Chúa Giêsu, thì cuộc sống luôn có hương vị của Thánh Linh. Các bạn ở đây hôm nay thể hiện sự ngạc nhiên ấy của Chúa Giêsu.
”Chúa Giêsu tiếp tục là động lực thúc đẩy các bạn ở đây. Chúng ta biết rằng không có sự an ủi nào lớn hơn là để Chúa Giêsu gánh lấy những đè nén chúng ta phải chịu. Chúng ta cũng biết rằng có nhiều người chưa biết Chúa và sống trong sầu muộn và lạc hướng. Một nữ danh ca, cách đây 10 năm đã nói trong một bài ca của cô rằng: ‘Tình yêu đã chết, tình yêu đã đi mất, tình yêu không còn sống ở đây nữa’ (Kerli Koiv, tình yêu đã chết). Bao nhiêu người trải qua kinh nghiệm này: họ thấy tình yêu của cha mẹ họ chấm dứt, tình yêu của các đôi vợ chồng mới cưới bị tan loãng; họ cảm thấy đau đớn trong nội tâm khi chẳng ai đoái hoài đến sự kiện họ phải xuất cư, đi tìm công ăn việc làm hoặc khi khi họ bị nhìn với cặp mắt nghi kỵ vì là người ngoại quốc. Dường như tình yêu đã chết, nhưng chúng ta biết là không phải như vậy, và chúng ta có một lời để nói, một điều gì để tuyên bố, với vài câu và nhiều cử chỉ. Vì các bạn là thế hệ của hình ảnh và hoạt động vượt lên trên những lý luận và lý thuyết.”
Ttìm gặp Chúa Kitô nơi những người đau khổ
ĐTC Phanxicô cũng nói rằng ”Chúng ta hiệp nhau trong niềm tin nơi Chúa Giêsu, chính Chúa mong chúng ta mang Ngài cho tất cả những người trẻ đánh mất ý nghĩa cuộc sống của họ. Cùng nhau chúng ta đón nhận sự mới mẻ mà Thiên Chúa mang lại trong cuộc sống chúng ta; sự mới mẻ thúc đẩy chúng ta luôn tái khởi hành, để đi tới nơi nhân loại bị thương tích nặng nhất; nơi mà con người, vượt lên trên cái vẻ hời hợt và xu thời, tiếp tục tìm kiếm một câu trả lời cho vấn nạn về ý nghĩa cuộc sống của họ… Nếu chúng ta có can đảm ra khỏi chính mình và đi tới những vùng ngoại biên, thì tại đó chúng ta sẽ tìm thấy Chúa, vì Chúa Giêsu đi trước chúng ta trong cuộc sống của người anh em bị đau khổ và bị gạt bỏ”.
Và ĐTC Phanxicô kết luận rằng: ”Tình yêu không chết, tình yêu mời gọi và gửi chúng ta đi. Chúng ta hãy cầu xin sức mạnh tông đồ để mang Tin Mừng đến cho tha nhân và không biến cuộc sống chúng ta thành một viện bảo tàng những đồ kỷ niệm.. Chúng ta hãy để Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta chiêm ngắm lịch sử trong nhãn giới của Chúa Giêsu phục sinh. Như thế Giáo Hội sẽ có thể tiến bước, đón nhận nơi mình những ngạc nhiên của Chúa, phục hồi sự tươi trẻ, niềm vui và vẻ đẹp của hôn thê đến gặp Chúa”.
Sau huấn từ của ĐTC Phanxicô, cộng đoàn đã cùng đọc kinh Lạy Cha, trước khi Mục Sư chủ tịch Hội đồng các Giáo Hội Kitô Estoni và Đức TGM Công Giáo Philippe Jourdan ngỏ lời cám ơn ĐTCPhanxicô. ĐTC Phanxicô còn chào thăm 10 vị lãnh đạo tôn giáo hiện diện, trước khi về tu viện của các nữ tu dòng thánh Brigitta Thụy Điển, cách đó 8 cây số để dùng bữa trưa vào lúc 1 giờ.
Giuse Trần Đức Anh
Nguồn: Đài Vatican