Chiều chúa nhật ngày 23-9, vào lúc 3 giờ, ĐTC Phanxicô đã gặp các Linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Lituani tại Nhà Thờ chính tòa Kaunas. Thánh đường này là nhà thờ lớn đầu tiên được xây theo kiểu gô-tích ở Lituani, chứa đựng hơn 600 năm lịch sử, trải qua bao nhiêu thăng trầm, những cuộc hỏa hoạn và tái thiết. Trong nhà thờ có ảnh Đức Mẹ Sầu Bi từ thế kỷ 16 và ảnh Đức Mẹ Ân Phúc có từ thế kỷ 17, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn tín hữu hành hương đến kính viếng.
Cách đây 5 năm, tức là năm 2013, nhân kỷ niệm 20 năm Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng đến viếng thăm giáo phận Kaunas, một bàn thờ đã được thiết lập trong Nhà Thờ Chính Tòa và có chứa đựng thánh tích của Người. Bàn thờ này nay trở thành điểm hành hương toàn quốc Lituani.
ĐTC Phanxicô đã từ tòa TGM Kaunas đến Nhà Thờ chính tòa lúc gần 3 giờ chiều để chủ tọa cuộc gặp gỡ với các Linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 8, 24-30, nhất là câu ”Mọi sự đều cộng tác để mưu ích cho những người mến Chúa”.
Trong bài huấn dụ, ĐTC Phanxicô khích lệ mọi người hãy biết vun trồng việc ước mong Thiên Chúa, và đối thoại hằng ngày với Chúa qua việc cầu nguyện và thờ lậy. Ngài quảng diễn đoạn 8 trong thư thánh Phaolô khuyên tín hữu Roma liên lỉ hy vọng.
Trước khi mời gọi chúng ta hy vọng, Thánh Phaolo đã lập lại 3 lần từ ”rên siết” ba lần: thụ tạo rên siết, con người rên siết và Thần Khí rên siết (Rm 8,22-23-26).
Người thánh hiến phải luôn rên siết vì khát vọng Thiên Chúa
Ta rên siết vì nô lệ sự hư nát, vì khát vọng sự tràn đầy. Và thật là hữu ích khi tự hỏi sự rên siết đó có hiện diện trong chúng ta không, hay chẳng còn gì rên siết trong thịt xác chúng ta nữa, không có gì khát khao Thiên Chúa hằng sống nơi chúng ta nữa. Cái khát nước của nai rừng phải là cái khát của chúng ta trong việc kiếm tìm sự sâu thẳm, chân lý và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Có lẽ xã hội phong phú đã khiến chúng ta quá no thỏa, tràn đầy các phục vụ và của cải, nặng nề vì mọi sự, và đầy ắp hư vô rồi; có lẽ nó đã khiến cho chúng ta điếng người hay hư hỏng, nhưng không tràn đầy. Là những người sống đời thánh hiến chúng ta không bao giờ có thể cho phép mình đánh mất đi tiếng rên siết đó, đánh mất đi nỗi âu lo của con tim chỉ tìm được an nghỉ trong Chúa (Agostino, Tự thú, I,1,1). Không một thông tin lập tức nào, không một truyền thông ảo tức thời nào có thể lấy mất đi các thời giờ cụ thể kéo dài – đó là một cố gắng liên tục – một cuộc đối thoại với Chúa qua kinh nguyện và sự thờ lậy. Đây là việc vun trồng sự ước ao Thiên Chúa, như thánh Gioan Thánh Giá viết: ”Hãy kiên trì với việc cầu nguyện mà không bỏ bê nó ngay cả giữa các bận rộn bề ngoài. Dù ăn hay uống, dù nói hay hành xử với người đời hoặc làm điều gì khác, hãy luôn luôn ước muốn Thiên Chúa bằng cách giữ gìn lòng mến của con tim trong Ngài” (Các lời khuyên để đạt sự toàn thiện, 9).
Rên siết trước khốn khổ của anh em
Tiếng rên siết này cũng phát xuất từ việc chiêm ngắm thế giới loài người, là một mời gọi tới với sự tràn đầy trước các nhu cầu không được thỏa mãn của các anh em nghèo khó hơn, trước sự thiếu thốn ý nghĩa cuộc sống của những người trẻ hơn, trước nỗi cô đơn của người già, trước các lạm dụng đối với môi sinh. Đó là một tiếng rên siết tìm tổ chức để ảnh hưởng trên các biến cố của một quốc gia, một thành phố, không phải với áp lực hay việc thi thố quyền bính, nhưng như việc phục vụ. Tiếng khóc than của dân chúng phải đánh động chúng ta như đã đánh động ông Môshê mà Thiên Chúa vén mở cho thấy khổ đau của dân Ngài trong cuộc gặp gỡ ông gần bụi gai cháy (x. Xh 3,9). Lắng nghe tiếng Thiên Chúa trong kinh nguyện khiến cho chúng ta trông thấy, nghe được, hiểu biết nỗi khổ đau của những người khác để có thể giải thoát họ.
Kiên trì trong khổ đau, kiên trì làm việc thiện
Điểm thứ hai được thánh Phaolô nhắc tới là lòng kiên trì: kiên trì trong khổ đau, kiên trì làm việc thiện. Điều này có nghĩa là tập trung vào Chúa, luôn luôn gắn chặt vào Ngài và trung thành với tình yêu của Ngài.
Đồng hóa với Chúa, tham dự vào số phận của Chúa
Điểm thứ ba, nhìn vào Chúa Kitô Giêsu như niềm hy vọng của chúng ta có nghĩa là tự đồng hóa với Chúa, tham dự vào số phận của Chúa. Đối với thánh Phaolô ơn cứu độ hy vọng không chỉ thu hẹp vào một khía cạnh tiêu cực, là giải thoát khỏi một gian nan nội tại hay ngoại tại, nhưng nó nhấn mạnh trên một điều gì tích cực cao độ, là tham dự vào cuộc sống vinh quang của Chúa Kitô (x. 1 Ts 5,9-10), tham dự vào Nước vinh quang (x. 2 Tm 4,18), việc cứu chuộc thân xác (x. Rm 8,23-24).
Sau khi đọc kinh Lạy Cha và ban phép lành cho mọi người, vào lúc 4 giờ chiều giờ địa phương, ĐTC Phanxicô giã từ thành Kaunas và đi xe trở về Vilnius để viếng thăm và cầu nguyện tại Bảo tàng viện về cuộc chiếm đóng và đấu tranh cho tự do. Dọc đường, ngài đã dừng lại trung tâm thủ đô, cầu nguyện trong thinh lặng và đặt vòng hoa tại bia tưởng niệm các nạn nhân Ghetto Do thái bị tàn sát trong thời Đức Quốc Xã. Hiện diện tại đây cũng có bà Tổng Thống Dalia.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Đài Vatican