ĐTC Phanxicô gửi thư đến Đại hội Thế giới về Giáo dục Công giáo do Văn phòng Giáo dục Công giáo Quốc tế tổ chức từ ngày 01 đến 03/12 tại Marseille ở Pháp. Ngài nhấn mạnh rằng đối với các Kitô hữu, giáo dục là một cách để tham gia vào vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội.
Trong thư, trước hết ĐTC Phanxicô khẳng định rằng giáo dục là một nhiệm vụ tất yếu, một thách đố cấp bách, và đối với các Kitô hữu, giáo dục là một cách để tham gia vào vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội. Vì vậy, khi tham gia vào giáo dục, Kitô hữu không thể chỉ nghĩ đây là một vấn đề đơn thuần của con người, tập trung vào chương trình đào tạo, các nguồn lực, không gian chào đón. Các trường Công giáo không chỉ mang đến cho học sinh kiến thức, nhưng còn giúp học sinh biết và nhận ra mình có khả năng yêu thương và được yêu thương.
Trường Công giáo không phải là nơi để chiêu dụ tín đồ, và càng không phải là nơi loại trừ những người không nghĩ giống chúng ta. Tổ chức của trường phải giống như một bài học cuộc sống, trong đó các yếu tố khác biệt được kết hợp lại với nhau, và hợp tác chặc chẽ với các thực tại khác như gia đình hoặc xã hội. Bằng cách này, bản sắc của trường sẽ thành công trong sự hiện diện và tham gia vào cuộc đối thoại, xây dựng những nhịp cầu đối thoại với những người chưa tin.
Trong phần tiếp theo của lá thư ĐTC Phanxicô đặt câu hỏi: “Trường Công giáo phải như thế nào để đáp ứng điều Chúa mời gọi?”. Ngài nói câu trả lời duy nhất đó là “chính Chúa Giêsu”. Trong khi giảng dạy, các Kitô hữu phải được truyền cảm hứng từ cách giảng dạy và cách đặt câu hỏi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Ngài đưa ra hai chỉ dẫn:
Thứ nhất: Hành động sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa vừa là một hành vi yêu thương vừa là một hành vi vâng lời, một giáo huấn phát sinh từ sự hiệp thông. “Các lớp học của chúng ta không phải là những đơn tử, các trường học của chúng ta không phải những ngăn không thấm nước”, Đức Thánh Cha nhắc lại và nhấn mạnh đến sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và địa phương, trong một “dự án chung siêu việt”.
Thứ hai: Chúa Giêsu luôn di chuyển và Người khuyến khích các môn đệ cũng làm như vậy, và hơn thế nữa Chúa còn ra lệnh truyền cho các ông đi đến tận cùng thế giới. Vì thế, trong các sáng kiến được đưa ra, các trường Công giáo phải nghĩ đến các vấn đề xã hội, cấp địa phương và hoàn vũ, phải học hỏi và giảng dạy mở ra những tính huống và những khái niệm mới. Cùng nhau bước đi, không loại trừ ai, thiết lập các điểm gặp gỡ và thích nghi ngôn ngữ để làm sao có thể gây được sự chú ý của những người ở xa.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News