Trong buổi tiếp kiến phái đoàn của Đại học Công giáo “Sulkhan-Saba Orbeliani di Tbilisi” của Georgia, sáng thứ Hai 13/02, ĐTC Phanxicô giải thích rằng, giáo dục là con đường đi từ bóng tối của sự thiếu hiểu biết đến ánh sáng của tri thức, giống như khi thắp một ngọn đèn trong căn phòng tối: không có gì thay đổi, nhưng hình dáng của mọi thứ đều thay đổi.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong bầu khí trường vừa kỷ niệm 20 thành lập, được bắt đầu bằng lời chào của Đức cha Pasotto, trưởng phái đoàn. Sau đó là diễn văn đáp từ của ĐTC Phanxicô.
Trước hết, ĐTC Phanxicô cám ơn phái đoàn đã đến thăm Vatican và ca ngợi hoạt động của Đại học Công giáo vì đã đưa ra một mẫu gương cụ thể về sự say mê nghiên cứu văn hóa và chăm sóc tài sản vô giá đó là sự phát triển đào tạo những người trẻ. Đức Thánh Cha nói: “Giáo dục giúp thế hệ trẻ lớn lên, khám phá và vun trồng những cội rễ phong phú để từ đó đơm hoa kết trái. Điều này rất phù hợp với căn tính của Georgia, một quốc gia trẻ nhưng có lịch sử lâu đời, một vùng đất được chúc lành từ Trời Cao”.
Nhắc đến Đức Thượng Phụ Ilia của Chính Thống Georgia, Đức Thánh Cha nói ngài luôn nhớ đến người của Chúa trong cầu nguyện và thích nghe những tác phẩm âm nhạc giá trị của Đức Thượng Phụ, cùng những lần gặp gỡ tạo nên những bước hiệp nhất. Đối với Đức Thánh Cha, đại học cũng là một mẫu gương cho sự hợp tác hiệu quả giữa Công giáo và Chính thống giáo trong các lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Trong ngôn ngữ Georgia, “ganatleba” có nghĩa là giáo dục, bắt nguồn từ ánh sáng và gợi lên con đường từ bóng tối của sự thiếu hiểu biết đến ánh sáng của tri thức. Dựa theo ý nghĩ này, Đức Thánh Cha khẳng định, điều này rất quan trọng, giúp chúng ta liên tưởng đến khi thắp một ngọn đèn trong căn phòng tối: không có gì thay đổi, nhưng hình dáng của mọi thứ đều thay đổi. Đó là kiến thức mà các sinh viên có được trong trường Đại học, đề xuất đặt phẩm giá của con người ở trung tâm. Do đó, qua nghiên cứu và dấn thân, các sinh viên có thể hiểu được chính mình như một đan sĩ xưa đã viết “Bạn có muốn biết Chúa không? Hãy bắt đầu bằng việc biết chính mình”.
ĐTC Phanxicô nói: “Nền văn hóa Georgia mời gọi các bạn hãy giữ cho ngọn đèn giáo dục luôn cháy sáng và luôn mở cửa sổ đức tin, bởi vì cả hai đều soi sáng những căn phòng cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Georgia, từ gốc của thuật ngữ ánh sáng xuất hiện cả trong từ giáo dục và từ bí tích Rửa tội, giúp văn hóa và đức tin có mối liên hệ với nhau”.
Kết thúc bài nói chuyện, ĐTC Phanxicô lặp lại vai trò của ánh sáng tri thức: Ánh sáng không tồn tại để được nhìn thấy, nhưng để những vật ở xung quanh được nhìn thấy và hơn thế nữa, đó là văn hóa, mở ra những chân trời và biên giới.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News