Gửi sứ điệp đến Hội nghị Quốc tế về Thể thao và Tâm linh diễn ra từ ngày 16 đến 18/5, ĐTC Phanxicô khích lệ những ai đang làm việc trong lĩnh vực thể thao trở thành “vận động viên đích thực của Chúa”.
Đầu tiên, ĐTC Phanxicô nhắc lại giáo lý của Thánh Phaolô về đời sống thiêng liêng: cuộc sống của Kitô hữu giống như một cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ một người đoạt giải. Vòng hoa chiến thắng đó chính là Chúa Kitô (1Cr 9,24; 2Tm 4,7-8). Theo ĐTC Phanxicô, ngày nay, điều này vẫn có thể hữu hiệu đối với tất cả những ai mong muốn làm đẹp lòng Chúa và trở thành bạn hữu của Người.
ĐTC Phanxicô nhận xét rằng, ngày nay thể thao ngày càng có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Thể thao là một cách sử dụng thời gian rỗi nhằm khơi dậy những sở thích và cơ hội gặp gỡ, tụ họp, tạo dựng cộng đồng, năng động cuộc sống một cách trật tự và thúc đẩy những ước mơ, đặc biệt nơi giới trẻ.
Đây là lý do tại sao việc chăm sóc mục vụ thể thao và giáo dục các giá trị đích thực của sự cạnh tranh, được thanh luyện khỏi tính ích kỷ và lợi ích vật chất là cần thiết. Điều quan trọng là trong hoạt động loan báo Tin Mừng, Giáo hội phải suy tư về kinh nghiệm thể thao và đánh giá một cách thích đáng. Những ai tham gia hoạt động mục vụ này được mời gọi hành động theo cách nhấn mạnh trở thành “vận động viên đích thực của Chúa”. Nghĩa là phải làm sao để thể thao trở thành nơi gặp gỡ giữa con người và tình huynh đệ giữa các dân tộc. Trong bối cảnh này, Hội nghị về Thể thao và Tâm linh này nhằm mục đích suy nghĩ về “thể thao vượt trên thể thao”, mong muốn đi sâu vào các giá trị đạo đức, xã hội, văn hoá, chính trị và tinh thần.
ĐTC Phanxicô kết thúc sứ điệp cầu mong Hội nghị sẽ đem lại kết quả theo nghĩa thể thao luôn giữ được tinh thần “nghiệp dư”. Và điều này phải được thể hiện trong đời sống của những người hoạt động trong lĩnh vực này. Về điều này ngài nhấn mạnh trách nhiệm giáo dục của những người lớn: “Lương tâm phải được hình thành dựa trên các giá trị nhân bản để tạo ra môi trường thể thao lành mạnh và có giáo dục, ngăn chặn mọi thái độ vô giáo dục và lạm dụng, đặc biệt gây tổn hại cho trẻ vị thành viên và những người lớn dễ bị tổn thương”.
Nguồn: Đài Vatican News