ĐTC Phanxicô: Không bảo vệ người lao động, xã hội trở thành nô lệ cho sự lãng phí

10/03/2023

Trong buổi tiếp ban điều hành và nhân viên Hiệp hội Bảo hiểm Tai nạn Lao động Quốc gia Ý, hôm 09/3, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh nếu không có các biện pháp bảo vệ, xã hội ngày càng trở thành nô lệ của văn hóa vứt bỏ.

ĐTC Phanxicô nói hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Tai nạn Lao động rất quý giá, vì không chỉ để ngăn ngừa tai nạn, nhưng cũng để đồng hành với những ai gặp tai nạn và đảm bảo hỗ trợ gia đình họ, như vậy không ai cảm thấy bị bỏ rơi. Ngài nhấn mạnh: “Nếu không có các biện pháp bảo vệ, xã hội ngày càng trở thành nô lệ của văn hóa vứt bỏ. Cuối cùng, thay vì nhận ra phẩm giá của con người, xã hội dẫn đến cái nhìn thực dụng đối với con người”.

Ở điểm này, ĐTC Phanxicô lên án kiểu lý luận: “Bạn có giá trị nếu bạn có khả năng sản xuất, còn nếu bạn không sản xuất, bạn chẳng có giá trị gì. Điều này thật tồi tệ! Với kiểu lý luận này, chỉ những người cố gắng ở lại trong guồng quay của hoạt động mới được tính đến và các nạn nhân bị đặt sang một bên, bị coi là gánh nặng và bị khoán cho lòng nhân từ của các gia đình”.

Nhắc đến Thông điệp Fratelli tutti, ĐTC Phanxicô nói: “Loại bỏ thể hiện bằng nhiều cách, như trong nỗi ám ảnh về việc giảm chi phí lao động, không nhận ra những hậu quả nghiêm trọng mà điều này gây ra, vì tình trạng thất nghiệp xảy ra có tác động trực tiếp đến đến nghèo đói”.

Trong buổi nói chuyện ĐTC Phanxicô còn đề cập đến việc làm từ xa, theo ngài, cần phải tận dụng công nghệ, trong một số trường hợp, làm việc từ xa có thể là một giải pháp tốt, miễn là nó không cô lập người lao động bằng cách ngăn họ cảm thấy là một phần của cộng đồng.

Ngài cũng nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực phát sinh từ “sự tách biệt rõ ràng giữa nơi sinh sống gia đình và môi trường làm việc” với “ý tưởng cho rằng gia đình là nơi tiêu thụ và công ty là nơi sản xuất”. Ngài nhận xét, điều này quá đơn giản, nó khiến chúng ta nghĩ rằng việc chăm sóc là một thực tế độc quyền của gia đình và không liên quan gì đến công việc, có nguy cơ làm gia tăng não trạng cho rằng mọi người xứng đáng với những gì họ sản xuất ra, vì thế bên ngoài thế giới sản xuất, họ mất giá trị, chỉ được xác định bằng tiền. Đây là một suy nghĩ theo thói quen, không hoàn toàn có ý thức nhưng thuộc về tiềm thức”.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News