Trong buổi tiếp kiến 150 bạn trẻ của “Dự án Policoro”vào sáng thứ Bảy 18/3, ĐTC Phanxicô khích lệ các bạn trẻ làm chính trị theo mẫu gương của ông Giuse trong Cựu Ước, người đã bị anh em bán sang Ai Cập, và không làm chính trị như vua Akhát, người đã cướp vườn nho của người nghèo Navốt.
Dự án Policoro ra đời vào năm 1970, do sáng kiến của cha Mario Operti, nhằm giúp các bạn trẻ Kitô tái khởi động lao động, những người trẻ thất nghiệp có công ăn việc làm. Hiện nay dự án tiếp tục được Hội đồng Giám mục Ý hỗ trợ và đang hoạt động ở 15 khu vực quốc gia.
Theo chủ đề được chọn của dự án “hoà bình”, Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ rằng đây là một điều không thể thiếu trong sự hình thành chính trị xã hội, và ngày nay điều này càng trở nên cấp thiết hơn. Ngài khẳng định: “Chiến tranh là một sự thất bại của chính trị, là chất độc coi người khác là kẻ thù”.
Trước thực tế chính trị không còn được xem là một điều tốt, đặc biệt nơi giới trẻ, Đức Thánh Cha đưa ra hai ví dụ về thực hành chính trị trong Kinh Thánh.
Trước hết, câu chuyện vườn nho của Navốt; vua Akháp muốn chiếm để mở rộng vườn nho của mình. Khi Navốt không đồng ý vì đó là tài sản thừa kế, nhà vua đã nổi giận và hành xử như một đứa trẻ hư hỏng, cùng với người vợ tìm cách giết Navốt qua một cáo buộc sai sự thật.
Akháp đại diện cho chính trị tồi tệ, không theo đuổi công ích nhưng lợi ích riêng và sử dụng mọi cách để thỏa mãn chúng. Akháp không phải là một người cha, nhưng là một ông chủ, và lãnh đạo dân chúng bằng thống trị.
Ở điểm này, ĐTC Phanxicô nói đến một cuốn sách của thánh Ambrôsiô, viết về câu chuyện trên. Thánh nhân viết: “Tại sao các bạn lại xua đuổi những người chia sẻ của cải thiên nhiên và đòi quyền sở hữu tài sản thiên nhiên cho riêng mình? Trái đất được tạo dựng trong sự hiệp thông cho tất cả, người giàu và người nghèo. […] Thiên nhiên không biết giàu, nghèo. Thiên nhiên […] tạo ra tất cả bình đẳng”.
Với câu chuyện này, ĐTC Phanxicô kết luận: “Chính trị lấy quyền lực để thống trị chứ không phải để phục vụ thì không có khả năng quan tâm, chà đạp người nghèo, bóc lột đất đai và gây xung đột với chiến tranh”.
ĐTC Phanxicô nói tiếp câu chuyện thứ hai trong Cực Ước, ông Giuse bị anh em bán sang Ai Cập. Ngài nhận xét, mặc dù bị đối xử tệ hại, bất công, nhưng Giuse không tìm kiếm lợi ích cá nhân; ông trở thành người của công chúng, người kiến tạo hoà bình, tạo nên những mối quan hệ có khả năng đổi mới xã hội.
Kết thúc bài nói chuyện, ĐTC Phanxicô mời gọi các bạn trẻ không quan tâm đến sự đồng thuận trong bầu cử hay thành công cá nhân, nhưng quan tâm đến tất cả mọi người, tạo ra tinh thần kinh doanh, làm cho giấc mơ phát triển mạnh mẽ, mọi người cảm nhận được vẻ đẹp của việc thuộc về một cộng đồng. Sự tham gia là phương dược xoa dịu vết thương của nền dân chủ.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News