Lễ hội về tình huynh đệ nhân loại diễn ra vào cuối tuần vừa qua tại quảng trường thánh Phêrô và dọc theo đường Hoà Giải với sự tham dự của khoảng 30 người đã từng nhận giải Nobel hoà bình. ĐTC Phanxicô đã gởi sứ điệp khuyến khích xây dựng tình huynh đệ nhân loại, là nền tảng để đạt đến hoà bình.
Theo chương trình, ĐTC Phanxicô trực tiếp tham dự lễ hội này về tình huynh đệ nhân loại, nhưng vì phải nhập viện nên ngài gởi đến các tham dự viên sứ điệp của ngài.
Với lời mở đầu, “Chúa ở đó nơi có anh em của con”, được tác giả E. Leclerc đặt vào môi miệng của thánh Phanxicô Assisi, ĐTC Phanxicô nói rằng: “Thiên đàng ở trên cao mời gọi chúng ta cùng nhau bước đi trên trái đất, tái khám phá chính mình như những người anh em và tin vào tình huynh đệ như một động lực cơ bản trong cuộc hành hương của chúng ta.”
Ngài nhấn mạnh: “Bất cứ ai nhìn người khác là anh chị em thì nhìn thấy ở họ một khuôn mặt chứ không phải một con số: đó luôn là ‘một người’ có phẩm giá và xứng đáng được tôn trọng, không phải là ‘thứ gì đó’ để sử dụng, khai thác hoặc loại bỏ.” Do đó, trong thế giới bị bạo lực và chiến tranh chia cắt, việc sửa lại hay điều chỉnh là chưa đủ, nhưng chỉ có một liên minh lớn về xã hội và thiêng liêng xuất phát từ trái tim và xoay quanh tình huynh đệ mới có thể mang sự thánh thiêng và bất khả xâm phạm của phẩm giá con người trở lại trung tâm của các mối liên kết.
Vì vậy, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh: “tình huynh đệ không cần những lý thuyết, nhưng cần những cử chỉ cụ thể và những lựa chọn chung để làm cho nó trở thành một nền văn hóa hòa bình.” Tuy nhiên, dù là một điều tốt đẹp và quý giá, tình huynh đệ cũng mong manh. Vì vậy, trong hành trình xây dựng, tình huynh đệ cần có những mỏ neo là những người dấn thân hết mình cho tình huynh đệ trong bão biển của xung đột và dối trá.
ĐTC Phanxicô khuyến khích: Chính trong tình huynh đệ mà chúng ta có được “cảm nhận có nhau”, từ đó một tia lửa có thể thắp lại ánh sáng để chấm dứt màn đêm của những xung đột. Đây là điều người Samari nhân hậu đã làm và trở thành tấm gương cho mỗi chúng ta. Ngài khẳng định: “Khi con người và xã hội chọn tình huynh đệ, thì chính trị cũng thay đổi: con người trở lại vị trí ưu tiên hơn lợi nhuận, ngôi nhà chung mà tất cả chúng ta đang sống không còn bị bóc lột vì lợi ích riêng, việc làm được trả lương xứng đáng, lòng hiếu khách trở thành một báo vật, mang lại hy vọng cho cuộc sống.”
Đây là lần đầu tiên Ngày thế giới về tình huynh đệ nhân loại được tổ chức như một lễ hội tại Vatican. Tham vọng lớn của những người tổ chức là được thế giới biết đến và cùng dấn thân xây dựng một thế giới huynh đệ, theo tinh thần thông điệp Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô. (CSR_2293_2023)
Văn Yên, SJ
Nguồn: Đài Vatican News