“Lòng dạ xấu xa” khiến một Kitô hữu có thể trở nên hèn nhát, theo ý thức hệ và thỏa hiệp. Vậy “lòng dạ xấu xa” có ý nghĩa gì đối với một Kitô hữu? Đây là ý tưởng chính trong bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng thứ năm ngày 17.01.2019
Tác giả Thư gửi tín hữu Do thái cảnh giác cộng đoàn Kitô hữu thời của ngài mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Anh em hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa, chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống.” ĐTC Phanxicô cảnh giác rằng cộng đoàn Kitô hữu, bao gồm các thành phần như “linh mục, nữ tu, giám mục”, đang gặp nguy hiểm là có lòng dạ xấu xa. ĐTC Phanxicô định nghĩa: Đây là một thông điệp cứng rắn, một “lời cảnh báo”. Nhưng lời cảnh giác này có nghĩa là gì? ĐTC Phanxicô dùng 3 từ để giúp chúng ta hiểu điều này; đó là “cứng cỏi”, “ngoan cố” và “cám dỗ”.
Các Kitô hữu nhút nhát, không có can đảm sống
Từ thứ nhất là cứng cỏi. Một trái tim cứng cỏi là trái tim “khép kín”, “không muốn được lớn lên, nó phòng vệ, đóng kín” Trong cuộc sống, điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, ví dụ một “nỗi đau khủng khiếp”, bởi vì “những cú đánh làm cho da thịt bị chai cứng”. Điều này đã xảy ra với các môn đệ trên đường Emmaus và cả với Tôma. Người nào nằm lì trong thái độ khép kín tồi tệ này thì là “người nhút nhát” và “một trái tim nhút nhát là trái tim xấu xa”. ĐTC Phanxicô nói:
Chúng ta tự hỏi: tôi có trái tim cứng cỏi, có con tim khép kín không? Tôi có để trái tim mình lớn lên không? Tôi có sợ nó phát triển không? Trái tim luôn lớn lên qua những thử thách, khó khăn, nó lớn lên như tất cả chúng ta từ những đứa trẻ lớn lên: chúng ta học đi qua những lần té ngã; từ khi biết bò cho đến lúc biết bước đi, chúng ta đã bị ngã té bao nhiêu lần! Nhưng chúng ta lớn lên qua những khó khăn. Sự cứng cỏi cũng là sự đóng kín. Nhưng mà người ở lì trong trạng thái này… là những kẻ nhút nhát. Nhút nhát là thái độ xấu của một Kitô hữu, họ thiếu can đảm để sống. Họ khép kín. Đó là người nhút nhát.
Các Kitô hữu ngoan cố, những Kitô hữu theo ý thức hệ
Từ thứ hai là “ngoan cố, cứng đầu”. “Trái lại, ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, để không ai trong anh em trở nên cứng lòng”; tác giả thư gửi Do thái viết như thế và cũng là lời “thánh Stephanô tố cáo những người ném đá ngài.” Ngoan cố là “cứng lòng về tinh thần”: một trái tim ngoan cố thì “nổi loạn”, thì “cứng lòng”, đóng kín trong suy nghĩ của chính mình, không “mở lòng ra với Chúa Thánh Thần”. Đó là chân dung của những người theo ý thức hệ, và cả những người “kiêu căng”, “tự mãn”. ĐTC Phanxicô giải thích:
Ý thức hệ là một sự ngoan cố. Còn Lời Chúa, ơn Chúa Thánh Thần, không phải là một ý thức hệ: nó là sự sống luôn luôn giúp chúng ta lớn lên, tiến bước và cũng giúp mở rộng con tim với những tín hiệu của Chúa Thánh Thần, với tín hiệu của thời đại. Nhưng ngoan cố cũng là sự kiêu căng, ngạo mạn. Cứng lòng gây nên rất nhiều điều xấu: khép kín con tim, cứng cỏi là những người nhút nhát; những người cứng lòng, ngoan cố là những người theo ý thức hệ. Và các ý thức hệ gây nên bao điều xấu cho Dân Chúa! Bởi vì nó đóng lại trước hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Các tín hữu thỏa hiệp, những nô lệ của cám dỗ
Cám dỗ, cám dỗ tội lỗi là do ma quỷ, “tên lừa dối”, “nhà thần học không có đức tin, nhưng với lòng hận thù”, muốn “xâm nhập và thống trị” con tim và nó biết cách làm điều đó. “Một trái tim xấu xa là trái tim để cho mình chiều theo cám dỗ và cám dỗ khiến cho người đó trở nên ngoan cố, trở nên khép kín và nhiều thứ khác nữa”. ĐTC Phanxicô giải thích về điều này:
Với sự cám dỗ, hoặc là bạn hoán cải và thay đổi cuộc sống hoặc là bạn thỏa hiệp với nó: nhưng một tí thế này, một chút thế kia. Bạn nói: ‘Có, có, tôi theo Chúa nhưng tôi thích cám dỗ này, nhưng một tí ….’ Và như thế là bạn bắt đầu lối sống Kitô hữu hai mặt. Dùng lại lời của đại ngôn sứ Elia nói với dân Israel khi ấy: “Các ngươi đi khập khểnh với hai chân”. Đi khập khểnh bằng hai chân, nhưng không vững chắc. Đó là cuộc sống thỏa hiệp: ‘Đúng, tôi là Kitô hữu, tôi theo Chúa, đúng, nhưng tôi để cho điều này xâm nhập vào mình,…’ Và như thế họ là những người ương ương dở dở, những người luôn theo hướng thỏa hiệp: những Kitô hữu thỏa hiệp. Cả chúng ta cũng nhiều lần thỏa hiệp như thế:. Khi Chúa tỏ cho chúng ta đường đi, ngay cả với các điều răn, với sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, nhưng bạn nói, ‘tôi thích điều này và tôi tìm cách đi nước đôi khi đi khập khểnh bằng hai chân.
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô kết luận: Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta để không có ai có trái tim xấu xa: đó là “một trái tim cứng cỏi, khiến bạn trở nên hèn nhát; một trái tim ngoan cố khiến bạn nổi loạn, đưa bạn trở thành người theo ý thức hệ; một con tim bị cám dỗ, nô lệ của cám dỗ, đưa bạn đến với một Kitô giáo của sự thỏa hiệp.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican