ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp cho hiệp hội “Coldiretti”, hiệp hội nông dân lớn nhất của Ý, trong đó ngài nhắc lại rằng phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng do đại dịch virus corona gây ra phải bắt nguồn từ văn hóa phục vụ.
“Coldiretti” có hơn 1,6 triệu thành viên. Hiệp hội đại diện cho các doanh nhân nông nghiệp ở cấp quốc gia và châu Âu, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của nông dân, lớn và nhỏ; đảm bảo chất lượng nông sản Ý; và thúc đẩy tính bền vững và an ninh lương thực.
Đại hội toàn quốc của “Coldiretti”, được tổ chức trực tuyến, có chủ đề “Nước Ý bắt đầu lại từ những anh hùng về lương thực”, tập trung thảo luận về sự cần thiết phải khởi động lại nền kinh tế, song song với sự tăng trưởng và sức sống xã hội.
Con đường đúng đắn: xem xét lại mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa
Trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét về cách thế mà tất cả các thành phần trong xã hội đang tìm cách để vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra. Điều quan trọng, theo ĐTC Phanxicô, là việc phục hồi này sẽ được thực hiện “như thế nào”. Vì vậy, ngài đã nhân dịp này khuyến khích cách thức mà ngài luôn xem là đúng đắn nhất: “xem xét lại mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và Đấng Tạo hóa như một yếu tố của sự cân bằng và hiệp thông sâu sắc”.
Phục vụ và quan tâm đến thiên nhiên
Nhận thức rằng điều ngài mô tả là “vai trò quyết định của thế giới nông nghiệp và nông sản” trong sự tái sinh của đất và nước, ĐTC Phanxicô kêu gọi các đại diện của lĩnh vực này đảm bảo rằng họ đóng góp “không phải bằng cách tìm kiếm logic của lợi nhuận mà là phục vụ, không phải bằng khai thác tài nguyên nhưng là quan tâm và chú ý đến thiên nhiên”, được xem là “ngôi nhà chào đón tất cả mọi người”.
ĐTC Phanxicô kết thúc sứ điệp với lời kêu gọi các thành viên của hiệp hội hãy can đảm, luôn tìm kiếm và thực hiện “những con đường mới của lòng bác ái và liên đới, để có một sự đáp trả thực sự của toàn cầu đối với hiện tượng nghèo đói và bất bình đẳng giữa các dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng này của lịch sử thế giới”. (CSR_9293_2020)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News