Trong buổi tiếp kiến chung ngày 10/03/2021 ĐTC Phanxicô chia sẻ về chuyến viếng thăm Iraq. Ngài nhắc đến tâm tình thống hối trong cuộc hành hương, mang trên vai thánh giá mà Ki-tô hữu Iraq đã vác suốt những năm tháng qua. Ngài nhắc đến niềm vui và hy vọng không suy giảm của Ki-tô hữu Iraq giữa những đau khổ, và niềm vui đón nhận sứ điệp của Chúa Ki-tô qua sự hiện diện của Đức Thánh Cha ở giữa họ. ĐTC Phanxicô cám ơn các tín hữu đã cầu nguyện cho ngài cũng như đã bác ái trong việc giúp đỡ các Ki-tô hữu Iraq. Ngài mời gọi các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho các Ki-tô hữu ở Trung Đông, cầu nguyện cho tình huynh đệ và hòa bình trên thế giới.
Hôm thứ Hai 8/3/2021 ĐTC Phanxicô đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm 4 ngày tại Iraq, như là vị Giáo hoàng đầu tiên có thể thực hiện cuộc hành hương viếng thăm quê hương của tổ phụ Áp-ra-ham, hoàn tất ước mơ chưa tròn của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 10/03/2021, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ về chuyến viếng thăm của ngài. Ngài nói rằng Chúa Quan phòng đã muốn rằng chuyến viếng thăm được thực hiện bây giờ, như một dấu hiệu của hy vọng, sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố, và trong một đại dịch nghiêm trọng.
ĐTC Phanxicô cám ơn các tín hữu đã cầu nguyện cho ngài cũng như đã quảng đại bác ái trong việc giúp đỡ các Ki-tô hữu Iraq. Ngài mời gọi các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho các Ki-tô hữu ở Trung Đông, cầu nguyện cho tình huynh đệ và hòa bình trên thế giới.
Lòng biết ơn
Trong bài chia sẻ ĐTC Phanxicô nói: Sau chuyến thăm này, tâm hồn tôi tràn ngập lòng biết ơn – lòng biết ơn đối với Chúa và tất cả những người đã giúp chuyến viếng thăm có thể được thực hiện. Tôi cảm ơn Tổng thống nước Cộng hòa và Chính phủ Iraq, các Thượng phụ và Giám mục của Iraq, cùng với tất cả các bộ trưởng và các tín hữu của các Giáo hội; tôi cảm ơn các vị lãnh đạo tôn giáo, đầu tiên là Đại Ayatollah Al-Sistani, người mà tôi đã có một cuộc gặp gỡ khó quên tại nơi cư trú của ngài ở Najaf.
Ý nghĩa thống hối
Tôi thực sự cảm thấy một ý nghĩa thống hối trong cuộc hành hương này: Tôi không thể đến gần những người bị đau khổ đó, đến gần Giáo hội tử đạo đó, mà không nhân danh Giáo hội Công giáo, mang lấy trên mình thập giá mà họ đã vác trong nhiều năm; một cây thánh giá lớn, giống như cây thánh giá được đặt ở lối vào của Qaraqosh. Tôi đặc biệt cảm thấy điều đó khi nhìn thấy những vết thương vẫn chưa lành sau sự tàn phá, và thậm chí còn hơn thế nữa khi gặp gỡ và nghe chứng tá của những người sống sót sau bạo lực, bách hại, lưu đày…
Hy vọng về tương lai hòa bình và huynh đệ
Và đồng thời, tôi thấy xung quanh mình niềm vui chào đón sứ điệp của Chúa Ki-tô; tôi nhìn thấy niềm hy vọng được mở ra cho một chân trời hòa bình và tình huynh đệ, được tóm lại trong những lời của Chúa Giêsu, cũng là châm ngôn của Cuộc viếng thăm: “Anh chị em đều là anh chị em của nhau” (Mt 23,8). Tôi cảm thấy hy vọng này trong bài diễn văn của Tổng thống Iraq. Tôi cảm nhận được điều đó trong nhiều lời chào và chứng từ, trong các bài hát và cử chỉ của mọi người. Tôi đọc được điều đó trên khuôn mặt rạng ngời của những người trẻ và trong đôi mắt đầy sức sống của những người lớn tuổi. Người dân đứng đợi Đức Giáo hoàng cả năm tiếng đồng hồ, cả những phụ nữ bế những em bé trên tay. Họ chờ đợi và trong mắt họ bừng lên niềm hy vọng.
Tình huynh đệ là một thách đố
ĐTC Phanxicô khẳng định: Người dân Iraq có quyền được sống trong hòa bình; họ có quyền tìm lại phẩm giá thuộc về mình. Nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của họ có từ hàng ngàn năm trước: vùng Lưỡng Hà là cái nôi của nền văn minh. Về mặt lịch sử, thủ đô Baghdad là một thành phố có tầm quan trọng hàng đầu. Trong nhiều thế kỷ, nó là nơi chứa thư viện phong phú nhất trên thế giới. Và điều gì đã phá hủy nó? Chiến tranh. Chiến tranh luôn là con quái vật biến dạng với sự thay đổi của thời đại và tiếp tục ăn thịt nhân loại. Nhưng đáp lại chiến tranh không phải bằng một cuộc chiến tranh khác, chống lại các vũ khí không phải bằng những vũ khí khác.
ĐTC Phanxicô đưa ra những câu hỏi mạnh mẽ: Ai đã bán vũ khí cho những kẻ khủng bố? Hiện nay ai đang bán vũ khi cho những kẻ khủng bố đang gây tang thương ở những miền khác, ví dụ chúng ta hãy nghĩ đến châu Phi. Đó là câu hỏi mà tôi muốn nghe từ có người nào đó trả lời. Câu trả lời không phải là chiến tranh nhưng là tình huynh đệ. Đây là thách đố không chỉ đối với Iraq. Đó là thách đố đối với nhiều khu vực xung đột và cuối cùng là thách đố đối với toàn thế giới. Chúng ta sẽ có thể xây dựng tình huynh đệ giữa chúng ta, xây dựng một nền văn hóa huynh đệ không? Hay chúng ta sẽ tiếp tục với thứ lý luận chiến tranh của Ca-in?
Cuộc gặp gỡ của con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham tại cổ thành Ur
Vì lý do này, chúng tôi đã gặp gỡ và cầu nguyện với các Ki-tô hữu và người Hồi giáo, với những đại diện của các tôn giáo khác, tại Ur, nơi tổ phụ Áp-ra-ham đã nghe tiếng gọi của Chúa khoảng bốn ngàn năm trước. Tổ phụ Áp-ra-ham là tổ phụ của chúng ta trong đức tin vì ông đã lắng nghe lời Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi. Ông bỏ lại mọi thứ và lên đường. Thiên Chúa trung thành với những lời hứa của Người và hướng dẫn bước đi của chúng ta đến sự bình an cho đến ngày nay. Người hướng dẫn bước đi của những người đang bước đi trên Trái đất với đôi mắt hướng về Thiên đàng. Và tại Ur – đứng bên nhau dưới bầu trời rực sáng đó, cũng chính là bầu trời mà tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta đã nhìn thấy chúng ta, con cháu của ông – cụm từ tất cả anh chị là anh chị em của nhau dường như lại vang lên một lần nữa.
Thông điệp huynh đệ từ nơi tử đạo của các tín hữu Iraq
Nhấn mạnh về tình huynh đệ, ĐTC Phanxicô nói: Một thông điệp về tình huynh đệ từ cuộc gặp gỡ tại Nhà thờ chính tòa của Giáo hội Công giáo Syriac ở Baghdad, nơi 48 người, trong đó có hai linh mục, đã bị giết trong Thánh lễ. Giáo hội ở Iraq là một Giáo hội tử đạo. Và trong ngôi nhà thờ có một bia đá ghi khắc những lời tưởng nhớ những vị tử đạo đó, niềm vui đã vang lên trong cuộc gặp gỡ đó. Sự ngạc nhiên của tôi khi ở giữa họ hòa với niềm vui của họ khi có Đức Giáo hoàng ở giữa họ.
Thông điệp huynh đệ từ đống đổ nát của Mosul và Qaraqosh
Chúng tôi đưa ra thông điệp về tình huynh đệ từ Mosul và từ Qaraqosh, dọc theo sông Tigris, gần tàn tích của thành Ninive cổ đại. Sự chiếm đóng của Nhà nước Hồi giáo đã khiến hàng ngàn hàng vạn cư dân phải chạy trốn, trong số đó có nhiều Ki-tô hữu thuộc nhiều hệ phái đức tin và các nhóm thiểu số bị đàn áp khác, đặc biệt là người Yazidi. Bản sắc cổ xưa của những thành phố này đã bị hủy hoại. Bây giờ họ đang cố gắng xây dựng lại.
Người Hồi giáo đang mời gọi các Ki-tô hữu quay trở về và cùng nhau khôi phục lại các nhà thờ và đền thờ Hồi giáo. Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người anh chị em đã chịu thử thách đau khổ của chúng ta, để họ có thể có sức mạnh để bắt đầu lại từ đầu. Và khi nghĩ đến nhiều người Iraq đã di cư, tôi muốn nói với họ rằng: anh chị em đã bỏ lại tất cả, giống như tổ phụ Áp-ra-ham; hãy giữ vững niềm tin và hy vọng như ông. Hãy là những người dệt nên tình bạn và tình huynh đệ mọi lúc và mọi nơi.
Thông điệp huynh đệ từ các Thánh lễ
ĐTC Phanxicô cũng nhắc đến một thông điệp về tình huynh đệ khác được nêu bật từ hai Thánh lễ: một ở Baghdad, theo Nghi lễ Can-đê, và một ở Erbil, thành phố mà tôi đã được đón tiếp bởi Chủ tịch và Thủ tướng, các nhà chức trách và người dân của miền Kurdistan. Niềm hy vọng của tổ phụ Áp-ra-ham và của dòng dõi ông hiện thực trong mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, trong Chúa Giê-su, người Con mà Thiên Chúa đã không chối từ, nhưng đã ban vì ơn cứu rỗi của mọi người: qua cái chết và sự phục sinh của Người, Người đã mở đường vào đất hứa, đến với cuộc sống mới, nơi nước mắt được lau khô, vết thương được chữa lành, anh chị em được hòa giải.
Cầu nguyện cho hòa bình và tình huynh đệ tại Trung Đông và trên thế giới
Kết thúc bài chia sẻ về chuyến đi, ĐTC Phanxicô mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ngợi khen Chúa về chuyến viếng thăm lịch sử này và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho vùng đất đó và cho miền Trung Đông. Ở Iraq, bất chấp tiếng gầm thét của sự tàn phá và vũ khí, cây cọ, biểu tượng của đất nước và niềm hy vọng của đất nước, vẫn tiếp tục phát triển và đơm hoa kết trái. Nó cũng đúng với tình huynh đệ: nó không gây ồn ào, nhưng có kết quả và làm cho chúng ta tăng trưởng. Cầu xin Chúa, Đấng là hòa bình, ban cho Iraq, Trung Đông và toàn thế giới một tương lai của tình huynh đệ!
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News