Sáng 19/11/2021, ngỏ lời với các tham dự viên Hội nghị “Xoá bỏ lao động trẻ em”, ĐTC Phanxicô nói rằng nạn lao động trẻ em cướp đi tương lai của các em và của chính nhân loại. Để xoá bỏ tệ nạn này cần cùng nhau xoá nghèo, thay đổi hệ thống kinh tế vốn chỉ tăng lợi ích cho một số ít người, thúc đẩy nền giáo dục chất lượng và miễn phí, và một hệ thống y tế dành cho mọi người.
Hội nghị “Xoá bỏ lao động trẻ em, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” được Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức vào chiều ngày 19/11/2021.
Việc bảo vệ quyền của trẻ em có ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại
Mở đầu diễn văn, ĐTC Phanxicô nhận định: “Tai họa của việc bóc lột sức lao động đối với trẻ em, đề tài hôm nay quý vị cùng nhau suy tư, có tầm quan trọng đặc biệt đối với hiện tại và tương lai của nhân loại chúng ta. Cách chúng ta có tương quan với trẻ em, mức độ chúng ta tôn trọng phẩm giá con người bẩm sinh và các quyền cơ bản của chúng, thể hiện chúng ta là loại người lớn nào và chúng ta muốn trở thành người lớn như thế nào và chúng ta muốn xây dựng xã hội nào”.
Trẻ em bị bóc lột vì lợi nhuận của người khác
Trái với những công việc nho nhỏ mà các trẻ em có thể giúp trong gia đình trong những khi rảnh rỗi, theo lứa tuổi, giúp các em phát triển và nhận thức về trách nhiệm, theo ĐTC Phanxicô, lao động trẻ em “là sự bóc lột trẻ em trong quá trình sản xuất của nền kinh tế toàn cầu hóa vì lợi nhuận và thu nhập của người khác. Đó là sự phủ nhận quyền của trẻ em về sức khỏe, giáo dục, sự phát triển hài hòa, bao gồm cả khả năng vui chơi và mơ ước. Nó đang cướp đi tương lai của trẻ em và của chính nhân loại nữa. Đó là sự vi phạm nhân phẩm”.
Để xoá bỏ tệ nạn lao động trẻ em
ĐTC Phanxicô nêu lên một số lý do khiến trẻ em dễ bị bóc lột sức lao động, như nghèo đói cùng cực, thiếu việc làm và hậu quả là sự tuyệt vọng trong các gia đình. Từ đó, ngài nói rằng nếu muốn xoá bỏ tệ nạn lao động trẻ em, “chúng ta phải làm việc cùng nhau để xóa nghèo, sửa chữa những méo mó của hệ thống kinh tế chỉ tập trung của cải vào tay một số ít; cần khuyến khích các quốc gia và các tổ chức kinh doanh tạo cơ hội làm việc với mức lương đủ để đáp ứng nhu cầu của gia đình và con cái không bị ép buộc phải làm việc; phải cùng nỗ lực thúc đẩy nền giáo dục chất lượng ở mọi quốc gia, miễn phí cho tất cả mọi người, cũng như một hệ thống y tế mà mọi người đều có thể tiếp cận”.
Dấn thân của Giáo hội
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi người tiếp tục các sáng kiến và nỗ lực đã được thực hiện ở tất cả các cấp trong cuộc chiến chống lao động trẻ em, kiên trì trong hành trình này dù có những khó khăn, và mở rộng mạng lưới nhân sự và tổ chức tham gia vào nỗ lực này. (CSR_7508_2021)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News