ĐTC Phanxicô: Người khác không phải là mối đe dọa, nhưng là món quà và người đối thoại quý giá

04/04/2024

Vào sáng thứ Năm ngày 4/4/2024, tiếp các tham dự viên cuộc Đối thoại đầu tiên do Bộ Đối thoại Liên tôn và Hội đồng các Lãnh đạo Tôn giáo Truyền thống và Thế giới của Kazakhstan tổ chức, ĐTC Phanxicô mời gọi họ nuôi dưỡng sự hòa hợp giữa các tôn giáo, các nhóm sắc tộc và các nền văn hóa. Ngài nhấn mạnh 3 khía cạnh: tôn trọng sự đa dạng, dấn thân đối với “ngôi nhà chung” và cổ vũ hòa bình.

Cuộc gặp gỡ có chủ đề: Ngôi nhà chung của chúng ta: món quà của Thiên Chúa để yêu thương chăm sóc.

Sự đa dạng

Trước hết, nói về sự đa dạng, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng tính “thế tục” của Nhà nước góp phần rất lớn vào việc tạo ra sự hài hòa. Ngài giải thích rằng đây là một chủ nghĩa thế tục lành mạnh, không trộn lẫn tôn giáo và chính trị, nhưng phân biệt chúng vì lợi ích của cả hai, đồng thời thừa nhận vai trò thiết yếu của tôn giáo trong xã hội, phục vụ công ích. 

Ngài đề cao mô hình của Kazakhstan trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa hợp xã hội, bằng cách đối xử công bằng và bình đẳng với các thành phần dân tộc, tôn giáo và văn hóa khác nhau trong công việc, trong việc tiếp cận các cơ quan công quyền và tham gia vào đời sống chính trị và xã hội của đất nước, để không ai cảm thấy bị phân biệt đối xử hoặc được ưu đãi vì căn tính cụ thể của họ.

Bảo vệ công trình sáng tạo

Về vấn đề dấn thân bảo vệ công trình sáng tạo, ĐTC Phanxicô lưu ý một điều quan trọng là “việc tôn trọng công trình sáng tạo là hệ quả tất yếu của tình yêu đối với Đấng Tạo Hóa, đối với anh chị em mà chúng ta cùng chia sẻ sự sống trên hành tinh, và đặc biệt đối với các thế hệ tương lai, những người mà chúng ta được mời gọi để lại cho họ một di sản cần được bảo vệ chứ không phải một món nợ sinh thái phải trả”.

Cổ vũ hòa bình

Cuối cùng, ĐTC Phanxicô nhận xét rằng cuộc gặp gỡ này có chiều hướng cổ vũ hòa bình. Ngài nói rằng ngày nay có quá nhiều người nói về chiến tranh và trong khi những lời căm thù được lan truyền thì con người lại chết trong sự tàn khốc của những xung đột. Ngược lại, theo Đức Thánh Cha, “chúng ta cần nói về hòa bình, mơ ước hòa bình, mang lại sự sáng tạo và cụ thể cho những mong đợi về hòa bình, vốn là những mong đợi thực sự của các dân tộc và con người. Mọi nỗ lực phải được thực hiện theo nghĩa này, trong sự đối thoại với mọi người”. Ngài cầu chúc cuộc gặp gỡ “với sự tôn trọng sự đa dạng và với ý định làm phong phú cho nhau sẽ trở thành một ví dụ để không coi người khác như một mối đe dọa, nhưng như một món quà và một người đối thoại quý giá để cùng phát triển”. (CSR_1426_2024)

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News