Tin Mừng hôm nay (Mc 6: 7-13) tường thuật lại khoảnh khắc Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông đồ ra đi thi hành sứ mạng. Sau khi gọi các ông từng người một, “để họ ở với Ngài” (Mc 3:14), lắng nghe Lời Ngài và quan sát cử chỉ chữa bệnh của Ngài, và bây giờ Ngài gọi các ông một lần nữa để “sai họ đi từng hai người,” (6, 7) đến những ngôi làng mà Ngài sẽ đến. Đây là một cách “thực tập” cho những gì các ông sẽ được kêu gọi thi hành với quyền năng của Chúa Thánh Thần sau khi Chúa phục sinh.
ĐTC giải thích: Đoạn Tin Mừng tập trung vào phong cách của người truyền giáo, chúng ta có thể tóm tắt trong hai điểm: Truyền giáo có một trung tâm; truyền giáo có một khuôn mặt.
Người môn đệ được sai đi thi hành sứ vụ trước hết có một trung tâm để qui chiếu, đó là con người của Chúa Giêsu.
Đoạn Tin Mừng chỉ cho thấy chính Chúa Giêsu là nhân vật chính trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng qua cách sử dụng một loạt các động từ: “Ngài gọi các ông”, “sai đi”, “trao quyền”,”truyền lệnh” “nói với họ”(câu 7.8.10). Tất cả những điều này CGS thực hiện để các ông ra đi và thi hành việc của nhóm Mười Hai; và điều này chỉ cho thấy các việc làm của nhóm Mười Hai bắt nguồn từ một trung tâm. Chính các ông đảm nhận sự hiện diện và công trình của Chúa Giêsu trong hành động truyền giáo của các ông. Các Tông Đồ không có gì để loan báo, cũng như khả năng để biểu lộ, nhưng các ông nói và hành động như là “những người được sai đi”, là những sứ giả của Chúa Giêsu.
ĐTC nhận xét rằng: Đoạn Tin Mừng này cũng liên quan đến chúng ta, không chỉ các linh mục, mà là tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tôi, chúng ta được kêu gọi làm chứng trong các môi trường khác nhau của cuộc sống, Tin Mừng của Chúa Kitô. Đối với chúng ta sứ mệnh này chỉ được xác thực khi nó được bắt đầu từ trung tâm không thay đổi đó là Chúa Giêsu. Loan báo Tin Mừng không phải là một sáng kiến của các tín hữu, của các nhóm hay thậm chí là một tập hợp lớn, nhưng đó là sứ mệnh của Giáo Hội và sứ mệnh này không thể tách rời khỏi sự hiệp nhất với Chúa. Không một Kitô hữu nào có thể loan báo Tin Mừng “một mình”, nhưng chỉ được sai đi từ Giáo Hội, một Giáo Hội đã nhận được sự ủy thác từ chính Chúa Kitô.
Và ĐTC tiếp tục: Đặc điểm thứ hai của phong cách của người truyền giáo có thể nói đó là một khuôn mặt, trong đó bao gồm sự khó nghèo của phương tiện. Sự trang bị cho hành trình truyền giáo đáp ứng một tiêu chuẩn tiết kiệm. Thực tế, Nhóm Mười Hai có mệnh lệnh “không mang gì ngoài một cây gậy cho cuộc hành trình: không bánh mì hay túi xách, cũng không phải tiền trong thắt lưng” (c. 8). Vị Tôn sư muốn họ tự do và nhẹ nhàng, không có sự trợ giúp và đặc ân, chắc chắn chỉ có tình yêu của Ngài dành cho họ, và sức mạnh từ Lời mà họ nhận được từ Ngài và loan báo. Cây gậy và đôi dép, những gì dành cho những người hành hương, bởi vì các ông là sứ giả của vương quốc Thiên Chúa, không phải là những người quản lý toàn năng, không phải là các viên chức bất động, không phải đang thực hiện chuyến lưu diễn.
Và với “khuôn mặt” này cũng cho thấy sứ điệp mà các ông loan báo sẽ được đón nhận như thế nào. Thực tế điều có thể xảy ra: sứ điệp không được hoan nghênh hoặc lắng nghe (c. 11). Đó cũng là sự nghèo đói: kinh nghiệm thất bại. Câu chuyện của Chúa Giêsu, người đã bị từ chối và đóng đinh, cho thấy trước số phận của những người mang sứ điệp của Ngài. Và chỉ khi chúng ta hợp nhất với Ngài, Người đã chết và sống lại, chúng ta có thể tìm thấy lòng can đảm trong sứ vụ truyền giáo.
Đức Thánh Cha kết luận: Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người Tông đồ đầu tiên và là nhà thừa sai của Lời Chúa, giúp chúng ta mang sứ điệp Tin Mừng đến với thế giới với niềm hân hoan khiêm tốn và rạng ngời, vượt lên trên bất kỳ sự từ chối, hiểu lầm hay bách hại nào. (Rei 15/07/2018
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican