Đối với bạn, Chúa Giêsu Kitô là ai? Trong bài giảng, ĐTC Phanxicô đã đặt câu hỏi này với các tín hữu hiện diện. Nếu ai đó hỏi chúng ta “Chúa Giêsu Kitô là ai”, chúng ta có lẽ sẽ trả lời theo những điều chúng ta đã học: Người là Đấng Cứu độ thế gian, là Con Thiên Chúa, những điều mà “chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính, nhưng khó hơn một chút là trả lời câu hỏi Chúa Giêsu Kitô là ai “đối với tôi”. Đây là câu hỏi khiến chúng ta hơi bối rối, bởi vì để trả lời nó, “tôi phải đi vào trái tim của mình”, nghĩa là từ kinh nghiệm của tôi.
Thánh Phaolô khởi đi từ chính kinh nghiệm của mình
Thật vậy, thánh Phaolô nôn nóng muốn nói cho các tín hữu biết rằng ngài đã biết Chúa Giêsu Kitô qua kinh nghiệm của ngài khi ngã từ lưng ngựa xuống, khi Chúa Giêsu nói với con tim của ngài. Thánh nhân không biết Chúa Kitô từ những nghiên cứu thần học, ngay cả nếu sau đó ngài đã đi tìm xem Thánh kinh loan báo về Chúa Giêsu thế nào.
Điều mà thánh Phaolô đã nghe, ngài muốn rằng các Kitô hữu chúng ta cũng được nghe. Trả lời cho câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra cho ngài: “Phaolô, Chúa Kitô là ai đối với ngài?”, thánh nhân sẽ trả lời bằng chính kinh nghiêm của mình, cách đơn giản: “Người đã yêu tôi và đã nộp chính mình vì tôi”. Thánh nhân đã gắn kết với Chúa Kitô, Đấng đã đền tội cho ngài và ngài muốn rằng các Kitô hữu – trong trường hợp này là các Kitô hữu giáo đoàn Êphêsô – cũng có kinh nghiệm này, đi vào kinh nghiệm này cho đến độ mỗi người có thể nói: “Người đã yêu tôi và phó mình vì tôi”, nhưng nói điều này bằng chính kinh nghiệm của mình.
Được chọn vì tình yêu nhưng là kẻ tội lỗi
Trong bài đọc thứ nhất trong Thánh lễ hôm nay trích từ thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô (Ep 3,14-21), thánh tông đồ Phaolô nói: “được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, anh em đủ sức hiểu thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Đức Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết, để anh em được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.”
Chúng ta có thể đạt được kinh nghiệm mà thánh Phaolô có với Chúa Giêsu bằng cách đọc Kinh Tinh Kính nhiều lần, nhưng cách tốt nhất để có kinh nghiệm này chính là nhận biết mình là người tội lỗi: đó là bước đầu tiên. Thật sự khi thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu đã nộp mình vì ngài, thánh nhân muốn nói rằng Chúa Kitô đã đền tội cho ngài và ngài kể lại trong các thư của ngài. Bởi thế, định nghĩa đầu tiên mà thánh nhân nói về mình chính là “một người tội lỗi”, bởi vì ngài đã bách hại các Kitô hữu, và ngài khởi đi từ chính việc “được chọn vì yêu thương, nhưng là kẻ tội lỗi”.
Bước đầu tiên để biết Chúa Kitô, để đi vào mầu nhiệm này chính là nhận biết tội của chính mình, những tội lỗi của chính mình, Trong bí tích hòa giải chúng ta xưng các tội của chúng ta nhưng bên cạnh việc xưng các tội, còn có việc nhận ra mình là người tội lỗi tự bản chất, có khả năng làm bất cứ điều gì đó, nhận ra mình nhơ bẩn. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm đau thương này, kinh nghiệm rằng mình cần được cứu đô, kinh nghiệm rằng có người đã đền thay cho ngài để ngài được quyền xưng mình là “con Thiên Chúa”: tất cả chúng ta là con Thiên Chúa nhưng nói điều này, cảm thấy điều này, cần sự hy sinh của Chúa Kitô. Do đó, nhận ra mình tội lỗi cách cụ thể và xấu hổ về chính mình.
Biết Chúa Giêsu nhưng không phải chỉ là Kitô hữu bằng lời nói
Bước thứ hai để nhận biết Chúa Giêsu: đó là sự chiêm ngắm, cầu nguyện để xin nhận biết Chúa Giêsu. Có một kinh nguyện rất hay của một vị thánh: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”: biết chính mình và biết Chúa Giêsu. Ở đây thánh nhân nói về một mối tương quan cứu độ. Đừng hài lòng với việc mình nói 3 hay 5 điều đúng về Chúa Giêsu, bởi vì biết Chúa Giêsu là một cuộc phiêu lưu khám phá, một cuộc phiêu lưu nghiêm chỉnh, chứ không cuộc phiêu lưu của một thiếu niên, bởi vì tình yêu của Chúa Giêsu thì không giới hạn.
Chính thánh Phaolô nói: “Người có toàn quyền để làm nhiều hơn những gì chúng ta có thể cầu xin hay nghĩ tới. Người có quyền năng để làm điều đó. Nhưng chúng ta phải xin Người. “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa; xin cho khi con nói với Chúa, con không nói những lời như con vẹt, nhưng nói những lời xuất phát từ kinh nghiệm của con”, và như Phaolô nói: “Ngài đã yêu tôi và phó mình vì tôi” và nói với sự xác tín và thuyết phục”. Đây là sức mạnh của chúng ta, đây là chứng tá của chúng ta. Các Kitô hữu của lời nói thì chúng ta có rất nhiều; cả chúng ta cũng thể, nhiều lần chúng ta cũng là Kitô hữu chỉ bằng lời nói như thế. Điều này không phải là sự thánh thiện; sự thánh thiện là trở nên Kitô hữu, những người thực hành trong đời sống điều mà Chúa Giêsu đã dạy và điều mà Chúa Giêsu đã gieo trong tâm hồn họ.
Mỗi ngày hãy cầu nguyện xin biết Chúa Giêsu và biết chính chúng ta
Có hai bước để biết Chúa Giêsu. Bước thứ nhất, biết chính mình: là những người tội lỗi, tội lỗi. Nếu không biết điều này và không có sự xưng thú nội tâm rằng mình là một người tội lỗi, thì chúng ta không thể tiến bước. Bước thứ hai là cầu nguyện với Chúa, Đấng với quyền năng của Người có thể làm cho chúng ta biết được mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng là lửa mà Chúa Cha mang đến thế gian. Thật là một thói quen tốt đẹp nếu mọi ngày, trong vài giây phút, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con.” Và như thế chúng ta sẽ tiến bước.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican