Trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm 12/11/2018, ĐTC Phanxicô nói về sự an ủi và đề cập đến các vị tử đạo thời nay, những vị tử đạo của Giáo Hội Coptic đã bị giết tại bờ biển Libia. Sự an ủi cần phải là một điều quen thuộc trong đời sống Kitô hữu. Thế nhưng ngày nay, thế giới đang loại bỏ từ “ân cần dịu dàng” ra khỏi từ điển rồi.
Thiên Chúa an ủi chúng ta với sự ân cần như người mẹ chăm sóc con thơ đang khóc lóc. Chúng ta hãy để Thiên Chúa an ủi và đừng kháng cự.
Đừng kháng cự sự an ủi
Bài đọc một trích sách Isaia thực sự là một lời mời gọi đến với sự an ủi: “hãy an ủi, hãy an ủi dân ta, bởi tội của thành đã được đền trả.” Sự an ủi của ơn cứu độ là một Tin Mừng: “chúng ta đã được giải thoát.” Trong 40 ngày, Chúa Kitô Phục Sinh đã ở với các môn đệ để an ủi họ. Nhưng chúng ta không muốn liều mình, và kháng cự lại sự ủi an như thể ta sẽ an toàn hơn trong vòng xoáy của những khó khăn vậy. Chúng ta vùi mình trong những sầu khổ, trong những vấn nạn, trong những thất bại trong khi Chúa ra sức làm việc nhưng Người lại gặp sự kháng cự. Điều này cũng xảy ra với các môn đệ vào buổi sáng ngày phục sinh: tôi muốn chạm vào để chứng thực điều ấy. Người ta kháng cự bởi người ta sợ mình bị thất bại lần nữa.
“Ân cần”: thế giới ngày nay đang xoá từ này khỏi từ điển
Chúng ta đang bị chủ nghĩa bi quan tấn công. Trong những buổi tiếp kiến chung, một vài phụ huynh đưa con mình đến gần cha để xin cha chúc lành. Nhưng khi những đứa trẻ vừa nhìn thấy cha thì các bé bắt đầu khóc thét lên, vì khi nhìn thấy cha mặc áo trắng, các bé nghĩ rằng cha là bác sĩ hay y tá, người đã từng chích vác-xin cho mình. Và các em nghĩ: không, không thêm lần nào nữa! Chúng ta cũng có chút nào giống thế. Nhưng Thiên Chúa bảo: hãy an ủi, an ủi dân ta.
Vậy Thiên Chúa an ủi thế nào? Ngài an ủi bằng sự ân cần. Đó chính là lời của những ngôn sứ trong ngày chung kết: sự ân cần. Đó chính là lời mà tất cả những tật xấu đã xoá nhoà để ta khỏi trở về với Thiên Chúa: những thói xấu của hàng giáo sĩ, của giáo dân không muốn bước đi, những người lãnh đạm. Người ấy sợ sự ân cần.
Đoạn trích sách Isaia kết thúc thế này: “Và kìa, Đức Chúa, bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.”. Đây là cách thức Thiên Chúa an ủi: với sự ân cần. Khi thấy đứa con khóc, người mẹ, với sự ân cần của mình, sẽ vuốt ve dỗ dành và làm nó nguôi đi. Nhưng thế giới ngày nay đang xoá từ “ân cần” này khỏi từ điển.
An ủi của giây phút tử đạo
Thiên Chúa mời gọi ta hãy để cho Người ủi an và điều này giúp chúng ta chuẩn bị mình cho lễ Giáng Sinh. Hôm nay chúng ta cũng xin cho mình có được ơn hân hoan thực sự, một niềm vui đơn sơ nhưng thực sự.
Cha muốn nói rằng người Kitô hữu cần có thói quen được an ủi. Trong những giờ phút tồi tệ, các vị tử đạo đã hát ca khi tiến vào đấu trường Coloseo để chịu tử đạo. Các vị tử đạo ngày nay trước khi lìa đời đã thốt lên: “lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu!” Đó là một sự an ủi bên trong, một niềm vui thậm chí ngay trong giây phút tử đạo. Người Ki-tô hữu cần phải có thói quen được ủi an. An ủi ấy không giống như chủ nghĩa lạc quan. Người ta nói về những người sáng láng, tích cực: sự tích cực và sự sáng láng của người Ki-tô hữu là sự an ủi.
Thiên Chúa gõ cửa với sự ân cần: chúng ta đừng kháng cự lại sự bình an
Những khi người ta gặp khổ đau, người ta không thấy được an ủi. Nhưng một Ki-tô hữu không thể mất bình an bởi đó là ân sủng của Thiên Chúa ban tặng cho tất cả chúng ta, ngay cả trong những lúc tối tăm tồi tệ nhất. Vì thế, trong tuần chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh này, chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho mình không sợ hãi nhưng để Chúa ủi an.
Tôi cũng chuẩn bị mình cho lễ Giáng Sinh ít nhất là với sự bình an: bình an trong con tim, bình an trong sự hiện diện của Thiên Chúa, bình an khi Người chăm sóc tôi. “Nhưng con tội lỗi lắm.” – Đúng rồi, nhưng Tin Mừng hôm nay nói gì? Đức Chúa an ủi như mục tử, nếu Người mất đi một con chiên, Người sẽ đi tìm nó, như người kia có một trăm con chiên mà một con đi lạc, người ấy sẽ đi tìm nó. Thiên Chúa cũng làm như thế với mỗi người chúng ta. Tôi không muốn bình an, tôi kháng cự bình an, từ chối sự an ủi… nhưng Thiên Chúa luôn ở trước cửa. Người gõ cửa để chúng ta mở con tim mình, cho phép mình được an ủi và để cho mình được đặt trong bình an. Và Thiên Chúa làm như thế với sự dịu dàng, nhẹ nhàng: Người gõ cửa với lòng trìu mến.
Trần Đỉnh, SJ
Nguồn: Đài Vatican