ĐTC Phanxicô: Phát triển khoa học và công nghệ phải đi đôi với phát triển trách nhiệm, giá trị và lương tâm của con người

20/02/2023

Sáng thứ Hai ngày 20/2/2023, trong cuộc tiếp kiến dành cho các tham dự viên Hội nghị toàn thể của Hàn lâm viện Toà Thánh về sự sống, ĐTC Phanxicô khuyến khích các thành viên của Hàn lâm viện tiếp tục dấn thân để “sự phát triển khoa học và công nghệ luôn hòa hợp và đi đôi với sự phát triển của con người về trách nhiệm, giá trị và lương tâm.”

Hội nghị của Hàn lâm viện Toà Thánh về sự sống diễn ra từ ngày 20 đến 22/2/2023, suy tư về chủ đề: “Tập trung vào con người. Những công nghệ mới phục vụ công ích”. ĐTC Phanxicô tái khẳng định rằng “Giáo hội không ngừng khuyến khích sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật nhằm phục vụ phẩm giá con người và cho sự phát triển con người ‘toàn diện và không thể thiếu’.” Và ngài chia sẻ về ba thách đố quan trọng.

Việc phát triển công nghệ lành mạnh phải quan tâm đến con người và môi trường

Thách đó đầu tiên là sự thay đổi điều kiện sống của con người trong thế giới công nghệ. Con người phải hành động theo cách công nghệ, và biến đổi môi trường và cải thiện điều kiện sống. Theo ĐTC Phanxicô, công nghệ giúp chúng ta hiểu rõ hơn giá trị và tiềm năng của trí tuệ con người, đồng thời nói với chúng ta về trách nhiệm to lớn mà chúng ta có đối với thụ tạo.” Ngài lưu ý rằng ngày nay, công nghệ có khả năng can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi đáng kể, cả về môi trường và điều kiện sống của con người. Do đó, việc phát triển công nghệ lành mạnh không thể bỏ qua những sự đan xen phức tạp này.

Công nghệ không thể thay thế sự gặp gỡ của con người

Thách đố thứ hai là tác động của các công nghệ mới đối với định nghĩa về “con người” và “các tương quan”, đặc biệt là đối với tình trạng của các đối tượng dễ bị tổn thương. ĐTC Phanxicô nói rằng các tiêu chí để phân biệt điều gì thuộc về con người và điều gì thuộc về công nghệ ngày càng khó khăn. Do đó, việc suy tư nghiêm túc về chính giá trị của con người là rất quan trọng. Đặc biệt, ngài nói: “cần phải khẳng định lại một cách dứt khoát tầm quan trọng của khái niệm lương tâm cá nhân như một kinh nghiệm tương quan… Trong mạng lưới các mối quan hệ, cả chủ thể và cộng đồng, công nghệ không thể thay thế sự tiếp xúc của con người, tình trạng ‘ảo’ không thể thay thế thực tế và mạng xã hội cũng không thể thay thế lĩnh vực xã hội.”

Tầm quan trọng của tri thức trên bình diện con người

Thách đố thứ ba là định nghĩa về khái niệm tri thức và các hệ quả của nó. ĐTC Phanxicô nhắc rằng trong tông huấn Evangelii gaudium và trong thông điệp Laudato si’, ngài đã nêu bật tầm quan trọng của tri thức trên bình diện con người, nhấn mạnh rằng “tổng thể thì ưu việt hơn các bộ phận” và rằng “mọi thứ trên thế giới đều liên kết mật thiết với nhau”. Ngài tin rằng những ý tưởng như vậy có thể thúc đẩy một lối suy nghĩ đổi mới trong lĩnh vực thần học. Thần học cần vượt qua những cách tiếp cận biện hộ, để đóng góp vào việc xác định một chủ nghĩa nhân văn mới và khuyến khích sự lắng nghe lẫn nhau và hiểu biết lẫn nhau giữa khoa học, công nghệ và xã hội.

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News