Trong bài nói chuyện tại đại học Sophia, ĐTC Phanxicô nhắc rằng đại học không chỉ là nơi đào tạo tri thức nhưng còn là nơi một xã hội văn minh và hy vọng có thể được hình thành. Ngài cũng khuyến khích đồng hành với người trẻ và giúp đỡ người nghèo; giáo dục đại học chất lượng không là đặc quyền của số ít, nhưng phải phục vụ công bằng và ích chung.
Thứ ba 26/11 là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm Nhật Bản của ĐTC Phanxicô. Lúc quá 7 giờ, ĐTC Phanxicô đã từ giã các nhân viên Tòa Sứ thần Tokyo và đến đại học Sophia của dòng Tên cách đó hơn 3 km.
Đại học Sophia
Đại học Sophia là đại học Công giáo được các tu sĩ dòng Tên thành lập vào năm 1913. Thật ra đại học này đã có nguồn gốc từ hơn 450 năm trước, khi nhà truyền giáo dòng Tên – thánh Phanxicô Xaviê – đến Nhật Bản vào năm 1549 với ý tưởng truyền bá Kitô giáo và thành lập một trường đại học. Năm 1908, theo ý muốn của Đức Giáo hoàng Pio X, 3 tu sĩ dòng Tên đã đến Nhật để thành lập đại học Công giáo đầu tiên tại nước này.
Đặc tính quốc tế
Hiện tại đại học Sophia có 8 khoa và 18 phân ngành và liên kết với khoảng 300 đại học tại 59 quốc gia. Đây là một trong những đại học hàng đầu của Nhật. Đại học có một đặc tính quốc tế nổi bật; trong số 13 ngàn sinh viên của đại học, có khoảng 1500 sinh viên ngoại quốc; đội ngũ giáo sư gồm 1400 người thuộc 21 quốc gia. Chủ tịch và viện trưởng đại học là tiến sĩ Yoshiaki Terumichi, còn cha Tsutomu Sakuma là Chưởng ấn đại học.
Đến đại học, ĐTC Phanxicô dâng lễ riêng với cộng đoàn dòng Tên tại nhà nguyện của Trung tâm Văn hóa. Sau đó ĐTC Phanxicô dùng bữa sáng và gặp cộng đoàn Học viện Massimo, thăm các linh mục cao niên và đau bệnh.
Thăm đại học Sophia
Đến 10 giờ, ĐTC Phanxicô được cha giám tỉnh tỉnh dòng Tên ở Nhật và cha Chưởng ấn tháp tùng đến thăm đại học. ĐTC Phanxicô đã phát biểu trước các sinh viên, giáo sư và nhân viên của đại học.
Mong ước kiến tạo một xã hội nhân bản, cảm thông và thương xót hơn
Trước hết ĐTC Phanxicô bày tỏ niềm vui gặp gỡ các giáo sư và sinh viên của đại học. ĐTC Phanxicô cũng nhận xét rằng “dù cộng đoàn Kitô giáo Nhật Bản chỉ là thiểu số nhưng sự hiện diện của họ được nhìn nhận” và chính ngài cũng nhận thấy sự tôn trọng dành cho Giáo hội Công giáo. Đặc biệt, ĐTC Phanxicô nhận xét rằng “dù sự hiệu quả và trật tự là nét đặc trưng của xã hội Nhật, nhưng chúng ta nhận thấy rằng người ta khao khát tìm kiếm một điều gì đó hơn nữa: đó là mong ước sâu thẳm kiến tạo một xã hội nhân bản, cảm thông và thương xót hơn.”
Vai trò quan trọng của các trung tâm học thuật
Tiếp đến, ĐTC Phanxicô đề cao việc nước Nhật có thể hợp nhất tư tưởng và tôn giáo của châu Á với nhau và tạo ra một nền văn hóa với một bản sắc cụ thể. Các trung tâm học tập, suy tư và nghiên cứu tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong nền văn hóa ngày nay. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng các trung tâm học tập cần duy trì quyền tự chủ và tự do của chúng, như là một dấu hiệu của một tương lai tốt hơn. Ngài giải thích: “Vì các trường đại học vẫn là nơi chính yếu, nơi các nhà lãnh đạo tương lai được đào tạo, tất cả bề rộng kiến thức và văn hóa cần truyền cảm hứng cho tất cả các khía cạnh của các tổ chức giáo dục, khiến chúng ngày càng bao quát hơn và có khả năng tạo ra các cơ hội và thăng tiến xã hội.”
Đại học Sophia: nơi hình thành xã hội tốt hơn và tương lai hy vọng hơn
Dựa trên từ Sophia, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là sự Khôn ngoan. ĐTC Phanxicô nói rằng chúng ta luôn cần sự Khôn ngoan thực sự để sử dụng các nguồn lực của chúng ta theo cách xây dựng và hiệu quả. Nói về Nhật Bản hiện tại như là một xã hội cạnh tranh và công nghệ, ĐTC Phanxicô đề nghị đại học Sophia “không chỉ là một trung tâm đào tạo tri thức, mà còn là nơi mà một xã hội tốt hơn và một tương lai đầy hy vọng có thể được hình thành.”
Bảo vệ ngôi nhà chung
Đề tài bảo vệ ngôi nhà chung và căn tính quốc tế của đại học cũng được ĐTC Phanxicô đề cập đến. Ngài nói: “Tình yêu thiên nhiên, nét điển hình của các nền văn hóa châu Á, phải được thể hiện trong sự quan tâm thông minh và dự đoán để bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.” Tiếp đến, ĐTC Phanxicô nhắc rằng “ngay từ khi được thành lập, đại học Sophia đã trở nên phong phú nhờ sự hiện diện của các giáo sư từ các quốc gia khác nhau, đôi khi thậm chí từ các quốc gia có xung đột với nhau. Tuy nhiên, mọi người đều đoàn kết bởi mong muốn cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho giới trẻ Nhật Bản.”
Đại học Sophia luôn nổi bật bởi căn tính nhân văn, Kitô giáo và quốc tế. ĐTC Phanxicô tin tưởng rằng căn tính của đại học sẽ luôn được củng cố, “để những tiến bộ công nghệ tuyệt vời ngày nay có thể được sử dụng để phục vụ một nền giáo dục nhân văn, có trách nhiệm với môi trường hơn.”
Sinh viên biết phân định
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng truyền thống của thánh Inhaxio mà trên đó đại học Sophia đặt nền tảng, phải linh hứng cho cả giáo viên và sinh viên để tạo ra một bầu khí khuyến khích sự suy tư và phân định. Ngài nói: “Không có sinh viên nào của đại học này tốt nghiệp mà không học cách lựa chọn, cách có trách nhiệm và tự do, những gì mà theo lương tâm là điều tốt nhất.” Mỗi sinh viên có thể đối mặt ngay cả với những trường hợp phức tạp nhất, và biết được hành vi của mình là đúng và nhân bản, có nhận thức và có trách nhiệm, như những người kiên quyết bảo vệ cho người yếu thế.
Quan tâm đến người trẻ
Nói về người trẻ, những thế hệ mới, tương lai của Giáo hội và thế giới, ĐTC Phanxicô nói rằng Giáo hội hoàn vũ quan tâm với hy vọng nơi những người trẻ tuổi trên khắp thế giới. Sứ vụ của đại học Sophia là “chú trọng vào những người trẻ tuổi, những người không chỉ nhận được một nền giáo dục có phẩm chất, nhưng còn tham gia vào nền giáo dục này, khi đưa ra các ý tưởng và chia sẻ tầm nhìn và hy vọng cho tương lai”.
Giáo dục đại học chất lượng không là đặc quyền của một số ít
Đồng hành với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề cũng là một ưu tiên phù hợp với truyền thống Kitô giáo và nhân văn của đại học Sophia. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng đại học phải luôn sẵn sàng tạo ra một quần đảo có khả năng liên kết những người bị cảm thấy tách biệt về mặt xã hội và văn hóa. Ngài nói: “Những người bị gạt ra ngoài lề nên được kết hợp một cách sáng tạo vào cuộc sống và chương trình giảng dạy của trường đại học, trong nỗ lực mang lại một phương pháp giáo dục nhằm giảm khoảng cách và sự cách biệt.” ĐTC Phanxicô thêm nói thêm: “Giáo dục đại học chất lượng thay vì được coi là đặc quyền của một số ít, thì nó phải đi kèm với nhận thức là người phục vụ công bằng và ích chung.”
ĐTC Phanxicô còn mời gọi các bạn trẻ, các giáo sư và nhân viên của Đại học Sophia “tìm kiếm và truyền bá sự Khôn ngoan thiêng liêng và mang lại niềm vui và hy vọng cho xã hội ngày nay.”
Những lời cuối cùng ĐTC Phanxicô dành để cảm ơn tất cả nhân dân Nhật Bản vì sự tiếp đón thân thiện đã dành cho ngài trong chuyến viếng thăm này.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican