Lúc 16:15 chiều 29/11, ĐTC Phanxicô đã đến thăm trung tâm Caritas Roma, tại đây ĐTC Phanxicô đã gặp khoảng 220 khách trọ và các tình nguyện viên, đến từ nhiều cơ sở Caritas của giáo xứ.
Tại phòng ăn của trung tâm, ĐTC Phanxicô đã có một số trao đổi với những người hiện diện. Trước hết, một tình nguyện viên và một linh mục đã chia sẻ chứng từ của họ.
ĐTC Phanxicô đã đáp lời bằng việc chia sẻ hai từ đánh động ngài. Từ đầu tiên là “dễ bị tổn thương” của một chị tình nguyện viên. ĐTC Phanxicô nói: “Tôi nhận ra rằng chị đã nhận thấy một tương quan với sự dễ tổn thương của con người. Và đó là vì chị biết rằng chị cũng dễ bị tổn thương. Sự dễ tổn thương liên kết tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương và để làm việc tại Caritas, chúng ta cần nhận ra lời đó, nhận ra nó, làm cho nó thấm vào trong tim. Đến để xin giúp đỡ nghĩa là nói rằng: “Tôi dễ bị tổn thương” và việc giúp đỡ tốt chỉ được thực hiện từ chính sự dễ tổn thương của mình. Đó là cuộc gặp gỡ của những thương tích khác nhau, những yếu đuối khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều yếu đuối, tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương. Chúa cũng đã muốn trở nên dễ bị tổn thương vì chúng ta. Ngài là một giữa chúng ta và ngài đã chịu đau khổ: Ngài đã không có ngôi nhà để được sinh ra, Ngài bị bách hại, phải trốn sang nước khác, một người di cư; chịu cảnh nghèo khổ. Chúa trở nên dễ bị tổn thương. Và do đó, chúng ta có thể nói chuyện với Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là một trong chúng ta!”
Kế đến, ĐTC Phanxicô chia sẻ về từ thứ hai, của linh mục Don Benoni, đó là “sự thân mật với Chúa Giêsu”. Chúng ta không thể giúp đỡ người nghèo, chúng ta không thể gần gũi người nghèo từ xa. Cần phải chạm, chạm vào vết thương; chúng là vết thương của Chúa Giêsu. Thật mầu nhiệm: khi bạn chạm vào vết thương đó, bạn nhận ra mình. Và đây là ân sủng mà người nghèo cho chúng ta, ân sủng mà sự dễ tổn thương của người nghèo mang lại cho chúng ta: biết rằng chúng ta cũng dễ bị tổn thương. Điều này hết sức đẹp, bởi vì nó có nghĩa là chúng ta cũng cần ơn cứu độ, chúng ta cần một ai đó nói với chúng ta một lời tốt đẹp: những tình nguyện viên, và cả là những linh mục… Tất cả chúng ta đều cần một người anh em Giêsu; chúng ta cần sự thân mật lữ hành, cần bước đi với Chúa Giêsu. Thiên Chúa không làm ra ơn cứu độ với một sắc lệnh. Thiên Chúa làm điều đó khi bước đi với chúng ta, gần gũi chúng ta nơi Chúa Giêsu.”
Sau khi kết thúc tại phòng ăn, ĐTC Phanxicô đã đến phòng hội, tại đây ĐTC Phanxicô được hỏi về cái nhìn của ĐTC cho Caritas 40 năm nữa. ĐTC Phanxicô trả lời bằng việc nói về người Samari nhân hậu. Ngài nói: Tin Mừng đã được loan báo với chứng tá, không phải với những tranh luận hay lôi kéo… Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một ví dụ về chứng tá cho 40 năm tới: người đàn ông đó, không phải là người có đạo, có lẽ ông không nghĩ về việc có đạo, nhưng người đàn ông đó đã thấy một người bị kẻ trộm làm bị thương trên đường, nên đã chăm sóc anh ta, đưa anh đến nhà trọ… Chúa Giêsu không kể về những lời ông ấy nói; Ngài chỉ nói rằng “ông động lòng thương”. Ông ta đỡ anh, mang anh đến nhà trọ, rồi nói với chủ nhà trọ, để họ chăm sóc cho anh và nói: ‘Tôi phải đi, nhưng hai ngày nữa tôi sẽ quay lại’. Ông đưa hai đồng xu [cho chủ nhà trọ và nói]: ‘Nếu tốn thêm bao nhiêu, tôi sẽ trả’. Tôi nghĩ: ông chủ quán trọ đó, ông sẽ nghĩ gì? Đây là một kẻ ngốc! Đây là lời tôi muốn nói với cha: điên rồ. Sự điên rồ của tình yêu, điên rồ để giúp đỡ, điên rồ để chia sẻ chính sự tổn thương của mình với những người dễ bị tổn thương. Tôi không biết. Sự điên rồ. Có thể có người than rằng: ‘Những linh mục này, thay vì ở trong nhà thờ, dâng lễ, ở yên đó, thì lại làm tất cả các hoạt động này … Họ thật điên rồ!’ – ‘Bravo: họ thật điên rồ!’. Đây là chương trình cho 40 năm tới: điên rồ. Hãy nghĩ về chủ nhà trọ.”
Cuối cùng ĐTC Phanxicô đã ban phép lành cho tất cả mọi người và trở về Vatican.
Văn Yên, SJ
Nguồn: Đài Vatican News