Lúc 11.30 sáng thứ Năm, tại Đại thính đường Phaolô VI, ĐTC Phanxicô tiếp khoảng 6 ngàn giáo sư và sinh viên Đại học Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, gọi tắt là Lumsa, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80.
Trong bài huấn dụ, trước hết, ĐTC Phanxicô nhắc đến mục tiêu của trường khi thành lập cách đây 80 năm. Trước đây, nhu cầu của trường là đào tạo các nhà giáo dục, đặc biệt cho giới nữ. Lúc đầu, mục đích của trường là nhằm chuẩn bị giáo viên cho các trường trung học; sau đó mở rộng đào tạo các chuyên gia trong nhiều lãnh vực khác nhau. Tất cả điều này đã được vị sáng lập trường, đấng đáng kính Luigia Tincani, lấy cảm hứng từ thánh Catarina Siena, một phụ nữ bất khuất và say mê của Giáo hội.
Tiếp đến, ĐTC Phanxicô giải thích từ “đại học”. ĐTC Phanxicô nói: thuật ngữ “đại học” có nghĩa là một cộng đoàn, nhưng đó cũng là ý tưởng về sự hội tụ kiến thức, nghiên cứu cung cấp sự thật và ý nghĩa cho cuộc đối thoại giữa mọi người nam nữ trên thế giới. Đó là một nhiệm vụ cao cả phải được nhìn nhận và coi trọng.
“Trong thực tế, trường đại học không chỉ liên quan đến việc đào tạo mà còn là giáo dục; khởi đi từ con người và đến với con người. Một sự dấn thân chỉ có thể có ở một trường đại học Công giáo. Chính vì nhiệm vụ quan trọng này, trường đại học cần phải làm mới lại trách nhiệm của mình để phù hợp với sự phát triển của xã hội”.
ĐTC Phanxicô đưa ra bốn trách nhiệm chính:
1) Trách nhiệm về sự gắn kết, nghĩa là về lòng trung thành và về cộng đoàn: trách nhiệm của trường hướng đến tương lai nhưng phải ý thức về cội nguồn và hoàn cảnh thực tế.
2) Trách nhiệm văn hóa: như ĐGH Biển Đức XVI nói: “Nguồn gốc thực sự của trường đại học nằm ở sự khao khát kiến thức phù hợp với con người. Con người muốn biết mọi thứ xung quanh mình là gì. Con người muốn sự thật”.
3) Trách nhiệm xã hội: phát triển toàn diện đạo đức với sức mạnh sống động của xã hội. Cần phải can đảm để tham gia.
4) Trách nhiệm liên trường đại học: Châu Âu đã là cái nôi của các trường đại học, nhưng nó phải khám phá lại ý nghĩa của nó. Các trường đại học Công giáo cần tạo ra bầu khí hợp tác, trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng các dự án giáo dục và nghiên cứu sáng tạo.
ĐTC Phanxicô khuyến khích các giáo viên và sinh viên của trường luôn mở rộng con tim và tâm trí. Đối với các sinh viên, không hài lòng với điểm số hiện tại, không ngại đòi hỏi nơi các giáo viên, những người không chỉ là thầy dạy mà còn phải là những chứng nhân. Cũng vậy, đối với các giáo viên, ĐTC Phanxicô nhắc nhở họ phải luôn có những yêu cầu dành cho sinh viên để các em có thể thể hiện mình một cách tốt hơn.
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô nhắc lại phương châm của trường: In fide et humanitate – Trong đức tin và nhân bản. Nghĩa là giáo dục toàn diện, trong một thế giới toàn cầu hóa, phân mảnh, và đầy những mâu thuẫn, đòi hỏi phải làm việc cùng nhau. Một tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo phải đi qua trí óc, trái tim rồi đến đôi tay. (CSR_6726_2019)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican