Gặp gỡ các thành viên của Hiệp hội Quốc gia Người lao động mất chân tay và Người lao động khuyết vào trưa thứ Hai 11/9/2023, ĐTC Phanxicô cảm ơn sự dấn thân của họ và khuyến khích họ tiến bước, giúp xã hội phát triển từ quan điểm văn hóa, để hiểu rằng “con người có trước lợi ích kinh tế, rằng mỗi người là một món quà cho cộng đồng và việc khiến một người bị thương tật sẽ làm tổn hại đến toàn bộ cơ cấu xã hội.”
Hiệp hội Quốc gia Người lao động mất chân tay và Người lao động khuyết tật được thành lập vào năm 1943 khi nước Ý đang ở trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Hậu quả của chiến tranh
Từ bối cảnh thành lập của Hiệp hội, ĐTC Phanxicô nhắc rằng “mọi xung đột vũ trang đều tạo nên hàng loạt người khuyết tật, kể cả ngày nay; và dân chúng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của sự điên rồ là chiến tranh.” Ngài nhận xét rằng “Một khi xung đột đã kết thúc, đống đổ nát vẫn còn, ngay cả trong thân xác và trái tim, và hòa bình phải được xây dựng lại từng ngày, từng năm, thông qua việc bảo vệ và thăng tiến sự sống cũng như phẩm giá của nó, bắt đầu từ những người yếu đuối nhất và thiệt thòi nhất.”
Cảm ơn sự dấn thân
ĐTC Phanxicô cảm ơn các thành viên của Hiệp hội vì những việc họ đã làm để bảo vệ và đại diện cho các nạn nhân bị tai nạn lao động, các góa phụ và trẻ mồ côi của những người đã ngã xuống. Ngài cảm ơn sự quan tâm của họ về vấn đề an toàn tại nơi làm việc, vì những sáng kiến nhằm cải thiện luật dân sự liên quan đến tai nạn tại nơi làm việc và sự tái hòa nhập nghề nghiệp của những người bị khuyết tật. Cuối cùng, ngài cảm ơn nỗ lực của Hiệp hội trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về các chính sách an toàn và phòng ngừa tai nạn, đặc biệt là có lợi cho phụ nữ và người trẻ.
Bi kịch bắt đầu khi mục tiêu không còn là con người nữa mà là năng suất
“Những bi kịch và thảm kịch ở nơi làm việc vẫn không chấm dứt, bất chấp công nghệ mà chúng ta có sẵn để thúc đẩy những địa điểm và thời gian an toàn.” ĐTC Phanxicô nói rằng điều này xảy ra “khi công việc trở nên mất nhân tính và thay vì trở thành công cụ giúp con người nhận thức được bản thân bằng cách sẵn sàng phục vụ cộng đồng, nó lại trở thành một cuộc đua quá mức để kiếm lợi nhuận. Bi kịch bắt đầu khi mục tiêu không còn là con người nữa mà là năng suất.”
Mạng sống không thể bị trao đổi vì bất kỳ lý do gì
ĐTC Phanxicô nói rằng tử vong và thương tích là một sự bần cùng hóa xã hội ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ các doanh nghiệp hoặc gia đình có liên quan. Do đó ngài mời gọi quan tâm đến an toàn lao động, cả từ phía người lao động và chủ lao động. Ngài nói: “Trách nhiệm đối với người lao động là ưu tiên hàng đầu: mạng sống không thể bị bán vì bất kỳ lý do gì, đặc biệt nếu nó nghèo nàn, bấp bênh và mong manh. Chúng ta là con người chứ không phải máy móc, những con người độc nhất chứ không phải phụ tùng thay thế.” (CSR_3505_2023)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News