Sáng thứ Hai 15/3, ĐTC Phanxicô tiếp kiến một phái đoàn Pháp, gồm các doanh nhân, nhà hoạt động xã hội trẻ đến Vatican để thảo luận và chia sẻ với ĐTC Phanxicô những ý tưởng về hoán cải sinh thái.
Kết thúc buổi gặp gỡ, bốn nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế, điện ảnh, hoạt động xã hội có chung ưu tư về hoán cải sinh thái, đã bày tỏ niềm vui về cuộc hội kiến với ĐTC Phanxicô. Theo họ, giáo huấn về sinh thái của ĐTC Phanxicô là điểm tựa tinh thần đến đúng lúc cho quá trình hoán cải sinh thái ở Pháp, nơi dự luật khí hậu đang được thảo luận.
Cyril Dion, nhà sinh thái học, nhà sản xuất phim tài liệu và là người bảo vệ Công ước Công dân về khí hậu ở Pháp, giải thích rằng, ngày nay, tài chính tạo ra một loại mơ hồ che khuất sự phán đoán của chúng ta về việc phải làm gì để bảo vệ con người và thiên nhiên. Anh bày tỏ niềm vui vì sự khích lệ mà anh đã nhận được tại Vatican. Anh nói: “Đức Thánh Cha nhấn mạnh rất nhiều vào thực tế rằng đối với ngài, thế hệ trẻ là thế hệ có thể sáng tạo và có sức mạnh để làm được nhiều điều”.
Người thứ hai của phái đoàn là Eva Sadoun, doanh nhân và nhà hoạt động, đồng chủ tịch của phong trào Impact France, nơi tập hợp các tác nhân của nền kinh tế bền vững. Cô vui vẻ nói: “Tôi đến Vatican để nói với Đức Thánh Cha rằng, ngày nay có những người làm kinh tế đã biết lồng ghép những vấn đề ngài nói về công bằng xã hội và sinh thái vào lĩnh vực kinh tế. Tôi ủng hộ ý tưởng của Đức Thánh Cha về một nền kinh tế khác. Một nền kinh tế làm cho sống và không giết chết, bao gồm và không loại trừ, nền kinh tế nhân đạo, chăm sóc công trình sáng tạo và không gây ô nhiễm”.
Đối với Pierre Larrouturou, nhà kinh tế học, thành viên Nghị viện châu Âu (MPE), báo cáo viên tổng quát về ngân sách Liên minh châu Âu, thì đây là lần thứ ba anh gặp ĐTC Phanxicô. Trước đó anh đã gặp ĐTC Phanxicô để thảo luận về thuế đối với các công ty tài chính được đưa ra vào năm 2008 và hiện đang được các Quốc gia Thành viên thảo luận. Theo anh, một hệ thống kinh tế khác là có thể, và ĐTC Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức, điều anh rất cần. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống này và điều này là thách đố cho các nhà lãnh đạo.
Người thứ tư của phái đoàn là Samuel Grzybowski, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân và là người sáng lập Coexister, phong trào liên niềm tin của giới trẻ. Theo anh vấn đề hoán cải sinh thái cũng mang tính thiêng liêng. Vì vậy, công bằng xã hội và môi trường phải là một cuộc chiến mang chúng ta đến với nhau và liên kết chúng ta.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News