Gặp gỡ một số tân đại sứ các nước không thường trú ở Roma đến trình ủy nhiệm thư vào sáng thứ Năm ngày 7/12/2023, ĐTC Phanxicô mời gọi họ dùng công cụ ngoại giao để không chỉ ngăn chặn xung đột nhưng còn củng cố sự chung sống hòa bình và phát triển con người của các dân tộc.
Ngỏ lời với tân đại sứ các nước Kuwait, New Zealand, Malawi, Guinea, Thụy Điển, Algeria và Chad, ĐTC Phanxicô xin họ chuyển đến các nguyên thủ quốc gia của họ tình cảm quý trọng của ngài, đồng thời ngài bảo đảm nhớ cầu nguyện cho họ và người dân của họ.
Ngoại giao: không chỉ giải quyết xung đột nhưng còn củng cố sự chung sống hòa bình
ĐTC Phanxicô lưu ý các tân đại sứ về thời điểm đặc biệt khó khăn hiện nay của thế giới, với những cuộc xung đột vũ trang mà từ lâu ngài đã gọi là “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng mảnh”. Ngài lưu ý: “Trước phạm vi toàn cầu của các cuộc xung đột đang diễn ra, cộng đồng quốc tế thấy mình phải đối mặt, thông qua các công cụ ngoại giao hòa bình, thách thức tìm ra giải pháp tổng thể cho những bất công nghiêm trọng thường do chiến tranh gây ra”.
Như ĐTC Phanxicô đã nói trong Tông huấn Laudate Deum mà ngài mới ban hành, “để đối mặt với thách thức này, cần phải khẩn trương tái cơ cấu nền ngoại giao đa phương, nhằm đưa ra những câu trả lời cụ thể cho những vấn đề đang nổi lên và đề ra các cơ chế toàn cầu có khả năng giải quyết các vấn đề về môi trường, y tế, văn hóa và các sự kiện xã hội hiện đang diễn ra (xem các số 37-43)”.
Ngài nhắc nhở các tân đại sứ rằng công việc ngoại giao cao quý và kiên nhẫn của họ “không chỉ phải tìm cách ngăn chặn và giải quyết xung đột mà còn củng cố sự chung sống hòa bình và phát triển con người của các dân tộc, thúc đẩy sự tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của mọi người nam nữ và trẻ em và thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế và con người toàn diện”.
Quan tâm đặc biệt của Tòa Thánh đối với tác động của biến đổi khí hậu
ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng “Tòa Thánh quan tâm đặc biệt đến ngôi nhà chung của chúng ta, đặc biệt đối với những tác động mà biến đổi khí hậu và sự tàn phá môi trường tự nhiên có thể gây ra đối với những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong gia đình nhân loại”. Ngài mời gọi cầu nguyện để “các nhà lãnh đạo các quốc gia sẽ đoàn kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm trao lại cho các thế hệ tương lai một thế giới giống với khu vườn màu mỡ hơn mà Đấng Tạo Hóa đã giao phó cho chúng ta chăm sóc và quản lý”. (CSR_4967_2023)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News