Tại buổi tiếp kiến chung thứ Tư 11/5/2022, ĐTC Phanxicô đã gặp bà Phan Thị Kim Phúc, người trong ảnh cách đây gần 50 năm khi đang chạy khỏi vụ tấn công bom napalm ở Việt Nam, và nhiếp ảnh gia Nick Ut, người đã nhận giải Pulitzer năm 1972 với bức ảnh mang tính biểu tượng về chiến tranh Việt Nam “Em bé Napalm”.
Bà Kim Phúc và ông Nick Ut biết rõ về chiến tranh Việt Nam, và ghi nhớ đặc biệt ngày 8/6/1972, ngày Trảng Bàng, Tây Ninh bị bom napalm dội xuống.
Nhiếp ảnh gia Nick, năm nay 71 tuổi nhớ lại: “Sáng hôm đó, trận mưa bom đổ xuống làng, mọi người bỏ chạy hết. Tôi thấy một quả bom nổ trong một ngôi chùa. Tôi nghĩ chắc không có ai ở trong, tuy nhiên, qua làn khói, tôi thoáng thấy bà của Kim Phúc đang ôm trên tay một em bé, đã chết trên tay bà. Và ngay sau đó tôi thấy Kim Phúc hét lên ‘Xin cứu!’ Sau khi bấm nút ảnh, tôi nghĩ mình phải hành động. Tôi lấy nước tạt vào người em. Tôi đã đưa nhiều em bé lên xe và mang đến bệnh viện”.
Trở lại văn phòng ở Sài Gòn, nhiếp ảnh gia Nick đã cho công bố bức ảnh, và ngay lập tức bức ảnh trở thành ảnh đại diện cho sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam. Với bức ảnh này, nhiếp ảnh gia Nick Út nhận giải Pulitzer năm 1972.
Bà Kim Phúc năm nay 59 tuổi nói: “Sau nửa thế kỷ, là người sống sót, tôi muốn nói rằng chúng ta không muốn chiến tranh nhưng hoà bình vì thế giới cần hoà bình”. Và với chính cam kết hoà bình này, cả hai đang làm việc cho bộ phim tài liệu “Em bé Napalm”.
Bà chia sẻ về ảnh hưởng của bức ảnh đối với cuộc sống của bà: “Bức ảnh tiếp tục làm cho tôi nhớ mình đã mất tuổi thơ. Tuy nhiên chỉ với thời gian, tôi mới nhận ra được giá trị của nó. Lúc đầu, tôi ghét bức ảnh này, vì trong đó tôi thấy mình bị xỉ nhục: một bé gái trần truồng bị phơi bày trước thế giới, đang khóc đầy tuyệt vọng. Tôi cũng đã được giúp đỡ và chăm sóc, với 14 tháng ở bệnh viện và 17 lần phẫu thuật, không phải trả khoản nào”.
Gần nửa thế kỷ sau, bà Kim Phúc và ông Nick cùng có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, một lần nữa tuyên bố rằng chiến tranh là sự điên rồ. Đó là lý do tại sao họ đã tặng Đức Thánh Cha một bản sao của bức ảnh gần 50 năm, với chữ ký của cả hai, với tuyên bố “không chiến tranh”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News