Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà trọ Thánh Marta, do Cha Guillermo Marcó, người Argentina , cựu phát ngôn viên của Đức Bergoglio, thực hiện cho trang Infobae.
Bước đi Quảng trường Thánh Phêrô, tôi nghĩ đến hàng triệu người muốn trò chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi đã có được đặc ân hiếm có này trong nhiều năm. Ở Buenos Aires, tôi thường nói chuyện với ngài, đôi khi hơn một lần mỗi ngày. Ngày nay, các cuộc tiếp xúc ít thường xuyên hơn, nhưng ngài vẫn giữ được sự tươi mới của sự gần gũi và tình bạn đã có được trong nhiều năm; ngài đã không thay đổi về mặt này … Lắng nghe ngài đặc biệt thú vị…
** Điều đầu tiên con muốn hỏi Đức Thánh Cha là: điều gì thu hút ngài nhất khi theo Chúa Giêsu…
– Tôi không thể diễn đạt bằng lời. Điều tôi có thể nói là khi hòa hợp với Chúa, tôi cảm thấy bình an, tôi cảm thấy hạnh phúc. Khi tôi không theo Người, bởi vì tôi mệt mỏi, vì tôi đặt cho Người một thời gian cụ thể hoặc một thời hạn, tôi cảm thấy vô vị. Như thể cuộc sống của tôi đã tràn ngập… Có người đã từng nói với tôi rằng “Thiên Chúa ban cho bạn sự tự do, Người luôn cho bạn sự tự do, nhưng một khi bạn biết Chúa Giêsu thì bạn mất tự do”. Điều này khiến tôi rơi vào khủng hoảng. Tôi không biết bạn có mất nó hay không, nhưng cách mà Chúa kêu gọi bạn và thiết lập một cuộc đối thoại với bạn khiến bạn nói rằng “không, con không đi đâu nữa, với con thế này là đủ rồi”. Vì vậy, tôi cảm thấy sự cân bằng đó theo nghĩa tốt của thuật ngữ này, chứ không phải theo nghĩa tâm lý; đó là sự bình an, ngay cả trong những thời điểm mất cân bằng nghiêm trọng do phải đối mặt với những tình huống khó khăn.
** Ở đó, trong tòa giải tội của giáo xứ San José de Flores, Đức Thánh Cha đã có thể nhận ra ơn gọi của ngài: Đức Thánh Cha cảm thấy điều gì đặc biệt trong ơn gọi đó?
– Thật hiếu kỳ vì sau trải nghiệm đó vào ngày 21 tháng 9, tôi tiếp tục cuộc sống của mình mà không biết mình sẽ làm gì. Nhưng có một cái gì đó khác biệt đang dần hình thành. Tôi đã không ra khỏi đó để vào chủng viện… Ba năm trôi qua. Nó giống như một quá trình thay đổi những định hướng của bạn, những điểm tham chiếu của bạn. Chúa bước vào cuộc sống của bạn và sắp xếp lại nó. Và không lấy đi tự do của bạn. Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình không được tự do.
** Đức Thánh Cha tiếp tục định nghĩa mình là một “linh mục”: ngài thích điều gì nhất về ơn gọi linh mục?
– Khi phục vụ. Có lần một linh mục nói với tôi – ngài sống trong một khu phố rất nghèo, không phải khu ổ chuột nhưng gần như vậy, và nhà xứ của ngài bên cạnh nhà thờ – và ngài nói với tôi rằng khi ngài phải đóng cửa thì người ta gõ cửa sổ. Sau đó, ngài nói với tôi: “Tôi muốn đóng cửa sổ đó lại vì họ sẽ không để bạn yên”. Dân chúng sẽ không để bạn yên. Và mặt khác, ngài nói với tôi rằng nếu tôi đóng cửa sổ thì sẽ không yên tĩnh mà còn tệ hơn nhiều. Bởi một khi đã hòa vào nhịp sống phục vụ, bạn sẽ thấy xấu hổ khi dành một phần ích kỷ cho mình. Ơn gọi phục vụ hơi giống thế này, bạn không thể tưởng tượng được cuộc sống nếu bạn không phục vụ. Tôi sẽ không đánh đổi việc làm linh mục để lấy bất cứ thứ gì sau kinh nghiệm là linh mục. Với những giới hạn, lỗi lầm, tội lỗi, nhưng là một linh mục.
** Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói gì với các linh mục?
– Điều tôi nói với một linh mục là “hãy là một linh mục”. Và nếu điều này không hiệu quả với bạn, hãy tìm cách khác, Giáo hội mở ra những cánh cửa khác cho bạn. Nhưng đừng trở thành một quan chức. Tôi muốn nói điều này: hãy là một mục tử của người dân và đừng là một giáo sĩ công chức.
** Ngài cảm nhận thế nào về tình huynh đệ giữa các hồng y?
– Về lâu dài có sự gần gũi. Họ có thể có ý kiến khác nhau, nhưng điều tốt là họ nói cho bạn biết suy nghĩ của họ. Tôi sợ các chương trình nghị sự bí mật. Khi người ta có điều gì đó và không nói ra. Tôi tạ ơn Chúa vì trong Hồng y đoàn có sự giao tiếp, cả những Hồng y mới và Hồng y cũ, và họ có quyền tự do phát biểu … Tôi không biết có phải tất cả họ không, nhưng nhiều người có. Đôi khi có vị nói, “Này, chú ý cái này”, “nhìn kìa…”. Ồ cảm ơn ngài. Tôi sẽ nghĩ về nó và rồi tôi sẽ giải quyết, … hoặc tôi không nghe theo vị đó, tôi nói: xem này, tôi không nghe ngài vì điều này, điều này và điều này. Nhưng cuộc đối thoại được tháo gỡ.
** Thưa Đức Thánh Cha, ngài có những lòng sùng kính. Đây là bức ảnh Đức Bà Tháo gỡ các nút thắt, lòng sùng kính ngài đã có được khi ở Đức. Ngài có thể cho chúng con biết lý do tại sao ngài luôn gửi bức ảnh này trong bì thư của ngài không?
– Tôi chưa bao giờ đi đến nơi có hình ảnh gốc. Tình cờ là một nữ tu người Đức đã gửi bức ảnh cho tôi, như một lời chào. Tôi thích bức ảnh. Tôi bắt đầu lòng sùng kính hình ảnh Đức Mẹ này ở Argentina. Lịch sử của bức ảnh rất hay. Một họa sĩ thời đó đã xua đuổi vợ ông ta. Họ là những người Công giáo sùng đạo nhưng lại cãi nhau hàng ngày. Và một ngày nọ, ông ta đọc bài viết của Thánh Irenê thành Lyon, theo đó những nút thắt mà mẹ Evà của chúng ta đã buộc chặt bằng tội lỗi của bà đã được mẹ Maria của chúng ta tháo gỡ bằng sự vâng lời của Mẹ. Tôi tin rằng Công đồng đã lấy điều này và đưa vào Tông hiến về Giáo hội. Ông ta thích câu chuyện này và vì vậy ông đã yêu cầu Đức Mẹ tháo nút thắt cho ông với vợ vì họ không hợp nhau. Và đây là lý do tại sao bên dưới ông vẽ tổng lãnh thiên thần Raphael với Tôbia, đấng dẫn ông Tôbia đi tìm vị hôn thê, vợ của ông, để gặp cô ấy. Đức Trinh Nữ đã thực hiện phép lạ và mọi chuyện bắt đầu từ đó. Tôi đã bắt đầu lòng sùng kính Đức Mẹ này. Augsburg là thành phố có bức ảnh đó. Trong nhà thờ Thánh Phêrô ở Perlach. Tôi chưa bao giờ đến đó; tôi ở Frankfurt, cách đó không xa. Nhưng điều này là đủ đối với tôi và sự sùng kính đã bắt đầu từ Argentina. Như thể Đức Mẹ có thể giúp bạn, như bản văn của Thánh Irênê nói, để giúp bạn mở mọi nút thắt.
** Để tháo gỡ những nút thắt của cuộc sống…
– Đó là “tình mẫu tử” của Đức Mẹ
** Còn Thánh Giuse thì sao, thưa Đức Thánh Cha?
– Chính bà của tôi đã đặt Thánh Giuse vào tâm trí tôi… Khi tôi còn nhỏ, bà dạy tôi cầu nguyện với Thánh Giuse. Lòng sùng kính này vẫn còn.
** Ngài cũng có một bức tượng nhỏ Thánh Giuse đang ngủ. Trên đó ngài phó thác những ý định đặc biệt …
– Khi người ta xin tôi cầu nguyện, tôi đặt những ý nguyện bên dưới bức tượng. Tôi nói: “Ngài đang ngủ, xin giải quyết các vấn đề.”
** Còn Thánh Têrêsa thì sao?
– Thánh Têrêsa nhỏ luôn thu hút tôi… Lòng dũng cảm của một người bình thường. Nếu bạn hỏi tôi Thánh Têrêsa nhỏ có những điều phi thường nào: không có. Ngài là một nữ tu nghèo và bình thường. Trong những ngày cuối cùng, ngài cũng phải chịu đựng bóng tối lớn nhất, những cám dỗ lớn nhất chống lại đức tin, ngài đã trải qua tất cả. Một người phụ nữ bình thường.
** Cuối cùng, con xin Đức Thánh Cha những thông điệp ngắn. Thông điệp đầu tiên nói với các trẻ em:
– Các con hãy chăm sóc ông bà. Hãy nói chuyện với ông bà. Hãy đi thăm ông bà của các con. Hãy để ông bà thăm các con.
** Với các bạn trẻ…
– Các con đừng sợ cuộc sống. Đừng đứng yên. Hãy tiến bước. Các con sẽ phạm sai lầm, nhưng sai lầm tồi tệ nhất là đứng yên, vì vậy hãy tiếp tục.
** Nói với các ông bố, bà mẹ…
– Các bạn đừng lãng phí tình yêu. Hãy quan tâm lẫn nhau, như thế các bạn có thể chăm sóc con cái tốt hơn.
** Nói với người bệnh…
– À, điều này khó vì khuyên nhẫn nhục thì dễ, nhưng tôi không có sự kiên nhẫn, nên tôi hiểu khi bạn nổi giận một chút. Hãy xin Chúa ơn kiên nhẫn và Người sẽ ban cho bạn ơn để chịu đựng tất cả những điều này.
** Cuối cùng, nói với những người cao niên mà ngài thường nói đến…
– Nói với người cao niên: xin đừng quên rằng quý vị là gốc rễ. Người già phải truyền điều này cho người trẻ, trẻ em và thanh thiếu niên. Câu đó trong Sách Giôen: đâu là ơn gọi của bạn, một người lớn tuổi, người già sẽ nhìn thấy viễn tượng và người trẻ sẽ nói tiên tri. Khi họ ở bên nhau, những người già mơ về tương lai và truyền lại nó, còn những người trẻ tuổi, được hỗ trợ bởi những người già, có thể nói tiên tri và làm việc cho tương lai. Cùng với những người trẻ tuổi, quý vị đừng sợ bất cứ điều gì. Một người già cay đắng thì rất buồn. Ông ta còn tệ hơn cả một thanh niên buồn bã. Vì vậy, hãy tiếp tục, hãy ở cùng với những người trẻ.
Guillermo Marcó – Infobae
Nguồn: Đài Vatican News