Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại 3 nước vùng Baltic được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của các quốc gia này. Trong 100 năm này, thì đã hết một nửa thời gian các nước này phải sống dưới ách chiếm đóng của phát xít Đức, rồi đến Liên xô. ĐTC Phanxicô khẳng định rằng họ là những dân tộc đã đau khổ rất nhiều và vì thế Thiên Chúa đã ưu ái nhìn đến họ. ĐTC Phanxicô cám ơn các vị tổng thống, chính quyền dân sự cũng như các Giám mục và tất cả những người cộng tác vào việc chuẩn bị và thực hiện biến cố giáo hội này.
Sứ vụ tái đem niềm vui Tin mừng cho 3 dân tộc vùng Baltic
ĐTC Phanxicô nhận xét rằng bối cảnh cuộc viếng thăm của ngài khá thay đổi so với cuộc viếng thăm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài giải thích:
“Sứ vụ của tôi là tái loan báo cho các dân tộc này niềm vui của Tin mừng và cuộc cách mạng của sự diệu hiền, của lòng thương xót, bởi vì sự tự do mà không có tình yêu – tình yêu đến từ Thiên Chúa – thì không đủ để mang lại ý nghĩa và sự tràn đầy cho cuộc sống. Tin mừng mà trong thời gian thử thách đã ban sức mạnh và hướng dẫn cuộc chiến đấu cho tự do thì trong thời gian tự do, Tin mừng này là ánh sáng cho hành trình thường nhật của mọi người, của các gia đình, của xã hội, và là muối đem lại hương vị cho cuộc sống bình thường và gìn giữ nó khỏi sự hư hoại của sự tầm thường và của chủ nghĩa cá nhân.”
Hiệp thông giữa các Kitô hữu
Tiếp đến, ĐTC Phanxicô nhắc đến thách đố hiệp thông giữa các Kitô hữu tại các nước này. Ngài nói: “Tại Lituani, các tín hữu Công giáo chiếm đa số, trong khi tại Lettoni và Estoni, số tín hữu Tin lành và Chính thống đông đảo hơn, nhưng nhiều người đã rời bỏ đời sống tôn giáo. Do đó thử thách chính là việc củng cố sự hiệp thông giữa các Kitô hữu, là điều đã phát triển trong thời kỳ khó khăn của các cuộc bách hại. Thực tế, chiều kích đại kết là lý do nội tại của chuyến viếng thăm này và nó được diễn tả trong những giờ cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa Riga và trong cuộc gặp gỡ giới trẻ ở Tallin.”
Các giá trị nhân bản và xã hội của 3 dân tộc vùng Baltic
Trong các cuộc gặp gỡ các chính quyền của 3 quốc gia này, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự đóng góp của các quốc gia này cho cộng đồng các quốc gia và đặc biệt cho châu Âu: đóng góp về các giá trị nhân bản và xã hội được sống qua lịch sử của thử thách. Ngài đã khuyến khích đối thoại giữa các thế hệ người già và người trẻ, bởi vì sự liên hệ với các “gốc rễ” có thể tiếp tục làm phong phú cho hiện tại và tương lai. Ngài kêu gọi luôn luôn kết hợp sự tự do với sự tương trợ và đón tiếp, theo những truyền thống của các miền đất này.
Cuộc gặp gỡ người trẻ ở Vilnius
Tiếp đến, ĐTC Phanxicô nhắc lại những biến cố nổi bật trong chuyến viếng thăm. Trước hết là hai cuộc gặp gỡ cụ thể dành cho người trẻ và người cao niên: cuộc gặp gỡ với người trẻ ở Vilnius và với người già tại Riga. ĐTC Phanxicô kể: Tại quảng trường của Vilnius, đầy những thanh thiếu niên nam nữ, có thể nhận thấy khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Lituani: “Chúa Giêsu Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Các chứng từ cho thấy nét đẹp của cầu nguyện và các bài hát, nơi mà linh hồn mở ra với Thiên Chúa; niềm vui phục vụ tha nhân khi đi ra khỏi “bức tường” của “cái tôi” để bước đi trên hành trình, để có thể trỗi dậy sau những lần vấp ngã.
Thách đố của người cao niên
Tại Lettoni, khi gặp gỡ người cao niên, tôi đã nhấn mạnh đến mối liên hệ chặt chẽ giữa sự kiên nhẫn và niềm hy vọng. Những người đã trải qua những thử thách khó khăn, họ là gốc rễ của một dân tộc, cần được gìn giữ với ơn Chúa, để những mầm non mới có thể bám vào quý vị và trổ hoa và sinh trái. Thử thách đối với những người già là không cứng cỏi nội tâm, nhưng là tiếp tục có trí tuệ và con tim mở rộng và dịu hiền; và điều này có thể thực hiện được với “nhựa sống” của Chúa Thánh Thần, trong cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.
Thiên Chúa ở trung tâm đời sống tu trì
ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh đến những điều cần thiết đối với các linh mục, những người sống đời thánh hiến và các chủng sinh ngài đã gặp ở Lituani; “đó là niềm hy vọng, chiều kích kiên vững: tập trung vào Thiên Chúa, đâm rễ vững chắc trong tình yêu của Người. Chứng tá về điều này mà rất nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ lớn tuổi đã thực hiện và đang thực hiện thật vĩ đại! Họ đã chịu đựng những vu khống phỉ báng, tù đày, lưu đày…, nhưng họ vẫn vững mạnh trong đức tin. ĐTC Phanxicô kêu gọi đừng quên, nhưng hãy gìn giữ ký ức về các vị tử đạo, để theo gương của họ.”
Mẹ Maria – dấu chỉ của niềm hy vọng và an ủi chắc chắn
ĐTC Phanxicô kể tiếp: “tại Vilnius tôi đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng Do thái ở Lituani, chính xác là 75 năm sau khi ghetto to lớn bị đóng cửa, nơi mà hàng chục ngàn người Do thái bị cầm giữ trước khi bị giết. Tôi cũng đã viếng thăm Bảo tàng chiếm đóng và tranh đấu cho tự do: Tôi đã dừng lại cầu nguyện trong các căn phòng nơi những người chống đối chế độ bị giam giữ, tra tấn và giết chết. Nhiều năm qua đi, các chế độ cũng qua đi, nhưng trên Cổng Bình Minh ở Vilnius, Mẹ Maria, Mẹ Từ Bi, tiếp tục canh thức trên dân tộc của Mẹ, như dấu chỉ của niềm hy vọng và an ủi chắc chắn (cfr Conc. Ecum. Vat. II, Cost. dogm. Lumen gentium, 68).”
Dấu chỉ sống động của Tin mừng luôn là lòng bác ái cụ thể
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh đến lòng bác ái, ngài nói: “Dấu chỉ sống động của Tin mừng luôn là lòng bác ái cụ thể. Ngay cả nơi mà sự tục hóa mạnh nhất, Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ tình yêu, sự chăm sóc, phục vụ nhưng không những người đau khổ. Và khi đó trái tim họ mở ra và xảy ra những phép lạ: nơi sa mạc nảy sinh mầm sự sống mới.”
Canh tân tiếng “xin vâng”
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô nhắc đến các Thánh lễ cử hành tại Kaunas nước Lituani, tại Aglona nước Lettoni và tại Tallin nước Estoni. ĐTC Phanxicô nói rằng trong những Thánh lễ này “dân tộc trung thành của Thiên Chúa đang lữ hành tại các miền đất đó đã canh tân lời “xin vâng” với Chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta; họ đã canh tân cùng với Mẹ Maria, Đấng luôn là Mẹ của các con cái mình, đặc biệt những người đau khổ nhất; họ đã canh tân như một dân tộc được chọn, dân tộc tư tế và thánh thiện, dân tộc mà Thiên Chúa đánh thức ơn của bí tích rửa tội trong trái tim họ.
ĐTC Phanxicô mời gọi cầu nguyện cho các anh chị em Lituani, Lettoni và Estoni.
Hồng Thủy O.P
Nguồn: Đài Vatican