Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một học viện đào tạo các Iman và các nhà truyền đạo Hồi giáo. Học viện này được chính Vua Mohammed VI khánh thành cách đây 4 năm, với mục đích thăng tiến Hồi giáo ôn hòa, bao dung, tân tiến, cởi mở đối với các tôn giáo khác và với thế giới, chống lại những hình thức bạo lực và trào lưu Hồi giáo duy căn, cực đoan.
Sáng kiến của Vua Mohammed VI
Mặc dù có những quan hệ khó khăn với các phong trào hồi giáo cực đoan ở Maroc, Vua Mohammed VI, sau vụ tấn công khủng bố hồi năm 2003 tại thành phố Casablanca làm cho 43 người chết, đã bắt đầu củng cố và cải tiến các học viện đào tạo, các ban tôn giáo, các trung tâm nghiên cứu Hồi giáo để chống lại xu hướng cực đoan. Ngoài ra nhà vua cũng cổ võ cuộc chiến đấu chống lại tình trạng loại trừ và gạt bỏ người trẻ ra ngoài lề xã hội, xúc tiến các biện pháp trừng phạt những kẻ cổ võ và bênh vực khủng bố cũng như những ý tưởng xách động bạo lực.
Từ khi được thành lập cách đây 4 năm, Học Viện Mohammed VI đã đón tiếp hàng trăm Imam và các nhà truyền đạo Hồi giáo từ Phi châu và Âu Châu, cụ thể là từ các nước Mali, Sénégal, Côte d’Ivoire, Guinea, Nigeria, Pháp, v.v. Ngoài việc giảng dạy, Học viện còn thực hiện các cuộc nghiên cứu, cộng tác với các tổ chức Hồi giáo ôn hòa, và thường đón nhận các hội nghị, Hội thảo, các cuộc hội luận quốc gia và quốc tế.
Tiếp đón và viếng thăm
Đến Học Viện Mohammed VI, ĐTC Phanxicô đã được nhà vua, cùng với Bộ trưởng tôn giáo vụ, ông giám đốc Học viện và Ông Chủ tịch Hội đồng các Ulema Hồi giáo đón tiếp và hướng dẫn vào thính đường của Học Viện. Trong số những người hiện diện tại đây, ngoài các chức sắc và sinh viên Hồi giáo, còn có Ban Giám đốc và các sinh viên Học viện Đại kết Al Mowafaqa gồm Công Giáo và Tin Lành được thành lập tại thủ đô Rabat năm 2012.
Trong thính đường, có sự hiện diện của khoảng 300 người gồm các giáo sư, sinh viên và nhiều chức sắc Hồi giáo. Sau khi xem một video về lai lịch và hoạt động của Học viện, ĐTC Phanxicô đã được Bộ trưởng tôn giáo vụ chính thức chào mừng, rồi cùng với Nhà Vua và mọi người, ngài nghe chứng từ của một nữ học viên người Nigeria, Hindu Usman. Cô hy vọng sẽ quảng bá tinh thần bao dung và sống chung hòa bình giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo. Cô cho biết ”Nigeria cần có những người giúp giải quyết các xung đột và hiểu lầm”, và sau khi tốt nghiệp Học viện này, trở về quê hương, cô cũng sẽ cổ võ sự bình quyền nam nữ.
Trong cuộc gặp gỡ, đã có khúc nhạc truyền thống của Do thái, Kitô và Hồi giáo được trình diễn.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican