Trong tuần qua, nhiều phản ứng đã được ghi nhận trong dư luận Công Giáo thế giới về thông cáo công bố ngày 15/3/2021, qua đó Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng Giáo Hội không có quyền làm phép chúc lành cho sự kết hiệp của những người đồng phái, và vì thế, việc làm phép chúc lành như vậy là điều bất hợp pháp.
Văn kiện của Bộ giáo ký đức tin
Thông cáo của Bộ có dạng thức gọi là “Responsum” trả lời cho nghi vấn được gởi tới Bộ giáo lý đức tin: “Giáo Hội có quyền chúc lành cho sự kết hiệp của những cặp đồng phái không?”. Trả lời: “Không!”
Kèm theo câu trả lời vắn gọn này là bản giải thích dài 2 trang, mang chữ ký ngày 22/2/2021 của Đức Hồng Y Tổng trưởng và Đức Tổng Giám Mục Tổng Thư ký, và ghi thêm rằng “trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Tổng Giám Mục Tổng Thư ký, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được thông báo và ngài đồng ý với việc công bố câu trả lời và bản giải thích đính kèm”.
Giải thích của Bộ
Trong số những lý do khiến Bộ giáo lý đức tin minh định lập trường trên đây, trước tiên có liên hệ tới sự thật và giá trị của việc chúc lành là á bí tích, và hành động phụng vụ của Giáo Hội vẫn đòi những gì được chúc lành hoặc làm phép phải thích hợp để lãnh nhận và biểu lộ ơn thánh. Vậy mà những quan hệ, dù là bền vững, bao hàm những hành vi tính dục ngoài hôn nhân, nghĩa là ngoài sự kết hợp bất khả phân ly giữa một người nam với một người nữ và cởi mở đối với việc truyền sinh, đều không đáp ứng các ý định của Thiên Chúa. Nhận xét này không phải chỉ liên hệ tới các cặp đồng phái mà thôi, nhưng cả việc thực hành tính dục ngoài hôn nhân.
Một lý do khác khiến bộ giáo lý đức tin không chấp nhận việc làm phép chúc lành cho các cặp đồng phái là vì việc làm này có nguy cơ đồng hóa một cách sai lầm giữa việc chúc lành cho sự kết hợp của những người đồng phái với bí tích hôn phối.
Bộ giáo lý đức tin minh xác rằng câu trả lời phủ nhận này của Bộ không loại trừ việc chúc lành cho cá nhân người có xu hướng đồng tính luyến ái, nếu họ biểu lộ ý chí sống trung thành với các ý định được Thiên Chúa mạc khải.
Những phản ứng
Trong bản giải thích, Bộ nhận xét rằng “Trong một số lãnh vực của Giáo Hội đang phổ biến những dự phóng và đề nghị chúc lành cho sự kết hiệp của những người đồng phái”.
Hiện tượng này lan mạnh nhất là tại những nước nói tiếng Đức, và phần nào tại Mỹ, nên những phản ứng nhiều và mạnh nhất cũng đến từ những vùng này.
Tại Đức
– Đáng kể là Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, tuyên bố không hài lòng về thông cáo của Bộ giáo lý đức tin, và nói: “Bộ này đã trình bày những quan điểm của Bộ và chắc chắn những điểm đó sẽ được thảo luận trong “Con đường công nghị” của Công Giáo Đức đang tiến hành. Đức Cha Baetzing cũng nói là không hài lòng về cách thức can thiệp của Tòa Thánh, vì làm như vậy tạo cho người ta cảm tưởng là cuộc thảo luận thần học hiện nay về vấn đề này, đang diễn ra trong Giáo Hội hoàn vũ và tại Giáo Hội Đức, phải mau lẹ chấm dứt sớm bao nhiêu có thể. Những cuộc thảo luận khẩn trương và với những lý lẽ tốt tại nhiều nơi, và những cuộc nghiên cứu thần học về việc mục vụ ngày nay không thể bị loại bỏ bằng một lời từ trên phán xuống như vậy!”.
Lập trường của Đức Cha Baetzing không phải là điều mới mẻ, vì từ lâu trong giáo phận Limburg của ngài, nhiều linh mục vẫn làm phép chúc lành cho các cặp đồng phái, và trong cuộc phỏng vấn hồi tháng giêng năm nay dành cho tạp chí “Herder Korrespondenz” ở Đức, Đức Cha đã kêu gọi sửa lại sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo về vấn đề những người đồng tính luyến ái.
– Một số Giám Mục khác tại Đức cũng phản đối thông cáo của Bộ Đức Tin như Đức Cha Franz-Joseph Bode, Giám Mục giáo phận Osnarbrueck, Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, người từ lâu vẫn cổ võ truyền chức Linh Mục cho phụ nữ; hoặc Đức Cha Heinrich Timmervers, Giám Mục giáo phận Dresden-Meissen ở miền Đông Đức; Đức Cha Peter Kohgraf, Giám Mục giáo phận Mainz. Trước đó ngày 23/2/2021, vị Giám Mục này tuyên bố ủng hộ cuốn sách nghi thức chúc lành cho những cặp đồng phái.
Cả luật sư Thomas Sternberg, Chủ tịch Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, Đồng chủ tịch “Con đường Công nghị” đang tiến hành tại nước này cũng phê bình thông cáo của Tòa Thánh.
Tại Thụy Sĩ, Bỉ và Áo
– Tại vài nước láng giềng của Đức cũng có những người chống đối như thế, chẳng hạn Đức Cha Markus Buechel, Giám Mục giáo phận San Gallo thuộc vùng Thụy Sĩ Đức, cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cho cử hành các cuộc chúc lành cho các cặp đồng phái.
Tại Bỉ nói tiếng Flamand, Đức Cha Johan Bonny, Giám Mục Anvers, tuyên bố “xấu hổ” vì câu trả lời câu trả lời của Bộ Đức tin và xin lỗi những cặp đồng tính luyến ái. Đức cha gọi lập trường của Bộ là “không thể chấp nhận” được. Nhưng Hội Đồng Giám Mục Bỉ ra thông cáo nói lên lập trường dịu dàng hơn và nhấn mạnh sự phân định, đồng hành và hội nhập là những thái độ chủ yếu và khuyên mọi người hãy cảm thấy được nâng đỡ bằng tông huấn Amoris laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô.
– Tại Áo, trong số 15 Giám Mục, có Đức Cha Benno Elbs, Giám Mục giáo phận Feldkirche, phê bình văn kiện của Bộ giáo lý đức tin. Ngoài ra có một nhóm cha sở tuyên bố rất bất mãn vì thông cáo của Tòa Thánh và có cảm tưởng Giáo Hội trở lại cái thời mà họ nghĩ là đã qua rồi nhờ Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Và họ tuyên bố sẽ tiếp tục chúc hôn cho những cặp đồng phái yêu nhau. Đứng đầu nhóm này là Linh Mục Helmut Schueller, cựu tổng đại diện giáo phận Vienne. Vị này đã bị Tòa Thánh thu hồi tước “Đức Ông” (Prelato d’onore) năm 2012. Nhóm này được lập năm 2006 vẫn đòi Giáo Hội thay đổi luật độc thân, cho phụ nữ làm Linh Mục, cho người tin lành rước lễ.
Lập trường ủng hộ
Tại Đức cũng có các Giám Mục, trung thành với đạo lý của Giáo Hội, lên tiếng bênh vực thông cáo của Bộ giáo lý đức tin. Vị đầu tiên là Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục giáo phận Regensburg, đã chào mừng và cám ơn vì thông cáo của Bộ minh định rõ vấn đề. Đức Cha viết: “Bộ giáo lý đức tin, qua câu trả lời, đã khẳng định giáo huấn của Giáo Hội. Trong Tông Huấn “Amoris laetitia”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng không có nền tảng nào để coi sự kết hiệp của những người đồng phái là hôn phối”.
Cùng tuyên bố ủng hộ câu trả lời của Tòa Thánh có Đức Cha Stefan Oster Giám Mục Passau, Đức Cha Wolfgang Ipolt, Giám Mục Goerlitz ở miền Đông Đức và Gregor Maria Hanke, Giám Mục Eichstaett. Các Giám Mục khác bày tỏ dè dặt và bất đồng. Một số Linh Mục khác tuyên bố tiếp tục chúc lành cho các cặp đồng phái như vẫn làm cho đến nay.
Vấn đề rộng lớn hơn
Việc chúc lành cho các cặp đồng phái thực ra chỉ là một trong những điều mà “Con đường Công nghị” tại Đức đang nhắm tới, đó là thay đổi luân lý Công Giáo về tính dục, chấp nhận đồng tính luyến ái, bãi bỏ luật độc thân linh mục, dân chủ hóa Giáo Hội và truyền chức Linh Mục cho phụ nữ.
Trong một cuộc thảo luận trực tuyến chiều ngày 19/3/2021, Đức Cha Helmut Dieser, Giám Mục giáo phận Aachen, trưởng diễn đàn về “tính dục và sống thành cặp” thuộc “Con đường công nghị” và các thành viên tuyên bố, dù có văn kiện nói trên của Tòa Thánh, các tham dự viên, với đa số, quyết định tiếp tục đẩy mạnh việc “cập nhật luân lý tính dục”, đánh giá mới về tính dục, để sau cùng tiến tới việc chúc hôn cho các cặp đồng phái. Trong chiều hướng đó, Đức Cha Dieser kêu gọi chính thức loại bỏ văn kiện nói trên của Bộ giáo lý đức tin (KNA 19/3/2021)
Những lập trường này trái ngược với đạo lý và kỷ luật của Giáo Hội Công Giáo. Một số Giám Mục ở Đức như Đức Hồng Y Maria Rainer Woelki, Tổng Giám Mục giáo phận Koeln, hồi tháng 9/2020, đã cảnh giác về nguy cơ ly giáo của Giáo Hội Công Giáo Đức, xa lìa tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.
Đức Giám Mục Philip Egan báo động
Đặc biệt hôm 16/3/2021, Đức Cha Philip Egan, Giám Mục giáo phận Portsmouth, Anh quốc, bày tỏ e ngại “Con đường Công nghị” của Giáo Hội Công Giáo tại Đức sẽ dẫn tới sự ly giáo trong thực tế. Tuyên bố với hãng tin Công Giáo CNA ở Mỹ, Đức Cha Egan nói: “Trong tư cách là 1 Giám Mục, tôi có trách nhiệm không những đối với Giáo Hội tại giáo phận này nhưng còn đối với Giáo Hội hoàn vũ nữa. Tôi có những bạn người Đức có cùng nỗi lo âu về “Con đường công nghị” này. Cách thức nó được tiến hành và chủ trương của nó chắc chắn sẽ dẫn tới những kết luận làm tổn thương và đụng với truyền thống của Giáo Hội”.
Đức Cha Egan cho rằng Tòa Thánh phải tái khẳng định rõ ràng khuôn khổ đạo lý như Bộ giáo lý đức tin đã làm hôm 15/3/2021, “Chính Đức Giáo Hoàng cần can thiệp để nói rõ giáo huấn có thế giá: đó là vai trò của sứ vụ Phêrô. Ngài cần triệu các Giám Mục Đức về Roma và đề ra cho họ một phương pháp thích hợp”. (CNA 17/3/2021)
Giuse Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican News