Thêm một bước tiến trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 16 vào tháng 10 năm 2023 về đề tài: “Tiến đến một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Hai văn kiện đã được công bố để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục và đã có vài phản ứng về hai văn kiện này.
Hai văn kiện
Sáng thứ ba, 7/9/2021, Đức Hồng Y Mario Grech, người Malta, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, và các vị phụ tá, đã mở cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh để giới thiệu tài liệu dài khoảng 23 trang chữ nhỏ, chuẩn bị nội dung Thượng Hội Đồng Giám Mục và cuốn cẩm nang dài 29 trang về cách thức tiến hành việc tham khảo ý kiến tại các Giáo Hội địa phương.
Lễ chính thức khai mạc giai đoạn thứ I chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành vào ngày 9 và 10/10 năm nay tại Roma, với sự tham dự của nhiều đại diện các Hội Đồng Giám Mục và các tầng lớp dân Chúa. Tiếp đến, tiến trình chuẩn bị này sẽ được các giáo phận khai mạc vào ngày 17/10 năm nay và sẽ kết thúc vào tháng tư năm tới (2022).
Tài liệu chuẩn bị
gồm có 4 chương, chia làm 32 đoạn, lần lượt trình bày về lời gọi đồng hành (I); tiếp đến tài liệu giải thích về “một Giáo Hội có cơ cấu là hiệp hành, hay là công nghị (sinodale) (II). Chương III trình bày về việc lắng nghe Kinh Thánh. Sau cùng trong chương IV nói về đặc tính công nghị, hay hiệp hành, trong hành động: những cách thức để tham khảo ý kiến Dân Chúa.
Văn kiện nhấn mạnh 3 điểm, đó là Lắng nghe không thành kiến; lên tiếng một cách can đảm và thẳng thắn; sau cùng là đối thoại với Giáo Hội, xã hội và các hệ phái Kitô khác.
Cuốn cẩm nang
Cẩm nang trình bày 3 giai đoạn của tiến trình Công nghị: giai đoạn giáo phận, rồi đến Hội Đồng Giám Mục, sau đó là giai đoạn đại lục, và kết thúc là Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Roma. Đâu là vai trò của các Giám Mục, các Linh Mục và Phó tế… Phương pháp để tiến hành giai đoạn giáo phận. Sau cùng là những câu hỏi chính để tham khảo ý kiến.
Cẩm nang có một phần phụ trương nói về những người hoặc toán liên lạc ở mỗi giáo phận: vai trò và những đức tính họ cần có. Hướng dẫn việc tổ chức gặp gỡ tham khảo ý kiến: những mục tiêu, các tham dự viên, chương trình nghị sự và hình thức; có thể tiến hành dưới dạng trực tuyến hoặc cả hai thể thức: vừa trực diện và trực tuyến. Cách chuẩn bị các bản tổng hợp đúc kết ở cấp giáo phận. Kết quả tất cả các suy tư và trao đổi, tham khảo ý kiến trong các Giáo Hội địa phương được yêu cầu cô đọng trong bản góp ý kiến dài tối đa 10 trang. Mục đích không phải để soạn ra một văn kiện, nhưng “làm nảy sinh những mơ ước, ngôn sứ và hy vọng”.
Phản ứng về cuộc họp báo
Trong cuộc họp báo giới thiệu hai văn kiện, giới báo chí chú ý nhiều đến vấn đề phụ nữ có được quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục hay không. Điều này khiến Đức Hồng Y Grech phải than phiền và nói rằng: “Sự chú ý đến vấn đề quyền bỏ phiếu không làm cho tôi thanh thản… Phụ nữ được bỏ phiếu hay không, đó không phải là điều quan trọng. Vấn đề ở đây là Thượng Hội Đồng Giám Mục có bao gồm tất cả mọi người hay không… Chúa Thánh Linh nhấn mạnh nhiều hơn tới sự hòa hợp và đồng thuận… Tôi hy vọng rằng một ngày kia chúng ta sẽ bớt lệ thuộc vào quyền bỏ phiếu, số phiếu và đa số”.
Trên bàn chủ tọa cuộc họp báo cũng có Nữ tu Nathalie Becquart, người Pháp, thuộc dòng Xavière, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Chị cũng được giới nhà báo hỏi về cùng vấn đề. Chị đáp đại ý: “Giáo Hội muốn được đổi mới… Một Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một nghị viện. Một tiến trình công nghị không phải là trò chơi của các đảng phái trong đó kẻ mạnh hơn đặt điều kiện và bắt người khác phải tùng phục.. Phụ nữ là thành phần Dân Chúa. Điều rất quan trọng là phụ nữ có thể được lắng nghe, và giữ vai chính trong tiến trình công nghị ngay từ đầu. Điểm quan trọng là công nghị này có thể bao gồm và lắng nghe phụ nữ”.
Phản ứng về hai văn kiện
Gần một tuần sau khi hai văn kiện vừa nói được công bố, không có nhiều phản ứng từ phía các Hội Đồng Giám Mục hoặc các tầng lớp khác trong Giáo Hội, có lẽ vẫn còn quá sớm. Nhưng cũng có vài phản ứng tích cực và phản ứng dè dặt, nghi ngờ.
Hội đồng Giám Mục Đức
Phấn khởi nhất là phản ứng của Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Ngài rất hài lòng và gọi hai văn kiện chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về “Tính hiệp hành” là cột mốc trên Con đường Công nghị cho Giáo Hội hoàn vũ cho Giáo Hội tại Đức. Qua đó, Đức Giáo Hoàng cho thấy ngài hiểu “Sinodalità” là gì, là sự đồng hành. Đức Cha biết ơn vì Văn kiện của Tòa Thánh chính thức đưa Con đường Công nghị của Công Giáo Đức, tiến hành từ năm 2019, lên bình diện thế giới và đề cao sự kiện tiến trình công nghị này cũng đã bắt đầu tại nhiều nước.
Đức cha cũng nhận xét: thật là điều đáng để ý vì trong Văn kiện có phần tự phê bình của Giáo Hội về những về những thiếu sót cần thay đổi. Văn kiện chứng tỏ phong cách, hình thức và cơ cấu công nghị tương ứng với Kinh Thánh và truyền thống Giáo Hội.
Sở dĩ Đức Cha Baetzing phấn khởi và cảm thấy được tiến trình Công nghị sắp tiến hành trong toàn Giáo Hội hỗ trợ, vì Con đường công nghị của Công Giáo Đức là một tiến trình do Hội Đồng Giám Mục và Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức đề xướng, nhắm cải tổ Giáo Hội sau những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên trước đây. Việc cải tổ tiến hành trong 4 lãnh vực cũng là 4 diễn đàn của công nghị: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức; cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời; và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Những chủ trương này bị các nơi trong Giáo Hội hoàn vũ phê bình và coi đó là một nguy cơ ly giáo.
Cả Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và là người đã khởi xướng Con đường Công nghị của Công Giáo Đức, cũng chào mừng 2 văn kiện mới được Tòa Thánh công bố và nói rằng: “Văn kiện cho thấy tinh thần của con đường cởi mở tiến vào tương lai. Cuốn cẩm nang là căn bản tốt cho linh đạo Công Giáo về tính hiệp hành. Tôi thấy có nhiều điểm chung với Con đường Công nghị Đức và cả hai có thể bổ túc cho nhau”.
Phản ứng dè dặt
Trong số các phản ứng dè dặt hoặc phê bình, người ta thấy có bài của Ed Condon, đăng trên trang mạng Pillarcatholic.com ngày 7/9/2021, tỏ ra e ngại vì Văn kiện chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục có thể thúc đẩy xung đột giữa giáo dân và các Giám Mục.
Một số người phê bình rằng tiến trình công nghị được bố trí để soạn ra những văn kiện làm thương tổn giáo huấn chính thức đã được xác định, và quyền bính trong Giáo Hội, vì kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các giới vào tiến trình mà không có hướng dẫn đủ về cách thức làm sao để sự tham gia diễn ra trong khuôn khổ đạo lý chân chính của Giáo Hội.”
“Các văn kiện đó cho thấy tiến trình công nghị trong hai năm tới đây sẽ có khó khăn. Và đối với nhiều tín hữu Công Giáo, đó không phải là điều ngạc nhiên. Các Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây ở Roma về gia đình, giới trẻ, đức tin và ơn gọi, và Thượng Hội Đồng Giám Mục về miền Amazon, đã kéo theo các cuộc thảo luận phe phái về một số khía cạnh của giáo huấn Giáo Hội hoàn vũ và kỷ luật: về luân lý tính dục, hôn nhân và cả việc truyền chức thánh.”
Cuốn Cẩm nang yêu cầu nghe tiếng nói của những người Công Giáo ít khi hoặc không bao giờ thực hành đức tin. Văn kiện khẳng định rằng các tín hữu Công Giáo, dù bỏ thực hành đức tin, hoặc không còn tuyên xưng đức tin nữa, nhưng do bí tích rửa tội, họ vẫn là thành phần quan trọng của “cảm thức của các tín hữu” (sensus fidelium). Cẩm nang cũng nhấn mạnh rằng những người thuộc các truyền thống tín ngưỡng khác và những người không tín ngưỡng cũng có một vai trò quan trọng giúp Giáo Hội tham gia hoàn toàn vào việc phân định.
Một số quan sát viên nhận định rằng làm như thế là cổ võ sự bao gồm những người chống đối giáo huấn của Giáo Hội trong nhiều vấn đề.
Giuse Trần Đức Anh O.P
Nguồn: Đài Vatican News