Đức Cha Galantino và Cơ quan Quản Trị Tài Sản của Tòa Thánh

25/04/2021

Tòa Thánh đang đứng trước viễn tượng thiếu hụt ngân sách chưa từng có. Theo Bộ kinh tế của Tòa Thánh, ngân sách dự chi năm 2021 này, được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận, sẽ thiếu hụt khoảng 50 triệu Euro và nếu không có ngân khoản quyên góp được, gọi là “Đồng tiền Thánh Phêrô”, thì số thiếu hụt đó có thể lên tới 80 triệu Euro. “Đứng mũi chịu sào” và giữ vai chính trong việc góp phần giải quyết tình trạng này là Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là Apsa (Amministrazione del Patrimonio della Santa Sede), hiện do Đức Cha Nunzio Galantino điều khiển.

Thân thế Đức Cha Galantino

 Đức Cha Nunzio Galantino năm nay 73 tuổi, không hề được đào tạo trong ngành quản trị và càng không phải là một chuyên gia về kinh tế hoặc tài chánh, nhưng từ 3 năm nay, ngài là Chủ tịch cơ quan Apsa thuộc hàng quan trọng nhất của Tòa Thánh về phương diện tài chánh: quản lý ngân quỹ, các bất động sản và các tài sản khác của Tòa Thánh, đồng thời có nhiệm vụ cung cấp cho Tòa Thánh với tất cả các cơ quan phụ thuộc các phương tiện vật chất để chu toàn sứ vụ. Apsa cũng lo việc đầu tư và làm sao để các động sản bất động sản của Tòa Thánh sinh lợi để chu cấp cho các nhu cầu của Tòa Thánh.

 Đức Cha Galantino sinh năm 1948 tại làng Cerignola thuộc tỉnh Foggia nam Italia, thụ phong linh mục năm 1972, khi 24 tuổi, và hai năm sau tốt nghiệp triết học, rồi làm giáo sư tại đại chủng viện Benevento 4 năm, trước khi đi học tại Giáo hoàng Phân khoa thần học ở Napoli, đậu tiến sĩ thần học tín lý tại đây năm 1985 với luận án tựa đề “Lịch sử tính như sự trung thành với trái đất trong Dietrich Bonhoeffer”, một mục sư Tin Lành nổi tiếng của Đức. Sau đó cha làm giáo sư tại Phân khoa thần học Napoli. Suốt trong thời gian theo học và giảng dạy, từ 1977 đến 2011, Cha Galantino vẫn làm cha sở giáo xứ thánh Phanxicô Assisi ở làng quê của ngài.

 Thăng Giám Mục

 Tháng 11 năm 2011, cha Galantino được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Cassano all’Jonio, một giáo phận bé nhỏ chỉ có 103 ngàn tín hữu Công Giáo và Cassano chỉ có hơn 16 ngàn dân cư. Nhưng trong nhiệm vụ này, Đức Cha Galantino đã “lọt mắt xanh” của Đức Thánh Cha Phanxicô và tháng 12/2013, ngài được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Italia, và 4 năm sau đó, ngày 26/6/2018, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh.

 Theo Tông hiến “Mục Tử nhân lành” do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 ban hành hồi cuối tháng 6/1988, Chủ tịch Cơ quan Apsa là Hồng Y. Nhưng cho đến nay Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn để yên Đức Cha Galantino như một Giám Mục.

 Hoạt động của cơ quan Apsa

 Ngoài chức năng vốn có, hồi năm 2020, Cơ quan Apsa được Đức Thánh Cha Phanxicô giao thêm việc, đó là quản lý luôn tài chánh của Phủ Quốc vụ khanh. Từ trước đến nay, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, giúp Đức Thánh Cha quản trị các ngân khoản như “Đồng tiền Thánh Phêrô” hoặc các khoản tiền khác trực thuộc Đức Thánh Cha. Việc quản lý này không phải trình báo cho cơ quan nào khác của Tòa Thánh ngoài Đức Thánh Cha Phanxicô, và không thuộc ngân sách được công bố của Tòa Thánh hoặc quốc gia thành Vatican. Tuy nhiên trong thời gian qua có những những xì-căng-đan, ví dụ số tiền hàng trăm triệu Euro bị thất thoát trong cuộc đầu tư vào việc mua ngôi nhà ở Luân Đôn, Anh Quốc; hoặc quỹ Centurione do ông Enrico Crasso quản lý bị thiếu hụt 4,6% trong năm 2018 và đồng thời phải chịu chi phí 2 triệu Euro, khiến cho người ta đặt câu hỏi về việc sử dụng tài chánh của Vatican có khôn ngoan hay không.

 Ngày 12/3/2021, cha Juan Antonio Guerrero, dòng Tên, Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh cho biết ngân sách dự chi năm nay, 2021, của Tòa Thánh, được Đức Thánh Cha phê chuẩn, sẽ bị thiếu hụt gần 50 triệu Euro và nếu không có ngân khoản gọi là Đồng tiền thánh Phêrô do các tín hữu đóng góp, thì mức thiếu hụt sẽ lên tới 80 triệu Euro trong năm nay.

 Cắt giảm lương

 Tình hình đại dịch cho đến nay vẫn chưa có những dấu hiệu phục hồi chắc chắn, nên ngày 24/3/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tự sắc cắt giảm lương của các Hồng Y, giáo sĩ, tu sĩ nhân viên để giảm bớt chi phí nhân sự của Tòa Thánh, Quốc gia thành Vatican và các quan liên hệ. Bắt đầu từ ngày 1/4 vừa qua, các Hồng Y ở Roma bị giảm lương 10% so với lương cuối cùng. Các vị lãnh đạo các cơ quan Tòa Thánh như Bộ trưởng và Tổng thư ký bị giảm lương căn bản 8%, không tính phụ cấp đắt đó và thâm niên cho đến nay. các giáo sĩ và tu sĩ ở cấp cao bị giảm lương 3% theo mức lương chót. Ngoài ra trong khoảng từ 1/4 vừa qua đến 31/3 năm tới, sẽ ngưng tính thâm niên 2 năm một nấc cho các giáo sĩ và tu sĩ, cũng như cho tất cả các nhân viên hợp đồng từ cấp 4 đến cấp 10.

 Lo lắng nhưng không mất ngủ

 Đâu là thái độ của Đức Cha Galantino, chủ tịch cơ quan Apsa có nhiệm vụ thu tiền và chi cho các nhu cầu của Tòa Thánh?

 Trong cuộc phỏng vấn hôm 16/4/2021 dành cho tạp chí trực tuyến “Vida Nueva” ở Tây Ban Nha, được hỏi về viễn tượng này, Đức Cha Galantino trấn an rằng Tòa Thánh sẽ không bị “phá sản” hay “xập tiệm”, tuy rằng ngài không phủ nhận mình có lo lắng. Đức Cha nói:

 “Nếu tôi không lo lắng, thì tôi thật là người hời hợt. Tâm trạng này là điều xảy ra cho một người cha gia đình đứng trước nghĩa vụ đương đầu với những nhu cầu và chi phí của gia đình. Nhưng sự lo lắng này không làm cho tôi mất ngủ. Tôi biết rõ mình không phải là người duy nhất phải nhận thức về khó khăn kinh tế. Vả lại khó khăn này cũng không phải là điều mới mẻ”.

 Quan tâm đến những khó khăn

 Đức Cha Galantino cho biết “một trong những biện pháp đầu tiên mà Apsa đã và tiếp tục làm, đứng trước đại dịch, với những hậu quả tiêu cực mà nó gây ra, đó là với những người có hợp đồng thuê các bất động sản thương mại, tài sản của Tòa Thánh, Apsa đã giảm bớt 1 phần 3 tiền thuê nhà, và họ có thể hoãn việc trả 1 phần 3 tiền thuế còn lại khi tình trạng trở lại bình thường. Vì thế, Đức Cha nói, “chúng tôi chỉ yêu cầu họ trả 1 phần 3 còn lại về tiền thuê nhà. Chúng tôi đưa ra quyết định này để giúp tất cả những người phải đóng cửa một phần hoặc đóng hoàn toàn các hoạt động của họ. Cùng với điều đó, Apsa tiếp tục trả lương đều đặn cho mọi nhân viên của Tòa Thánh. Sự quan tâm đến những người túng thiếu trong thời đại dịch này không thiếu, nhưng còn có phần gia tăng. Ngoài những điều đó chúng tôi tìm cách giảm bớt các chi phí quản trị.”

 Duyệt lại đường lối quản lý

 Đức Cha Galantino xác quyết rằng “Chúng tôi không thấy có nguy cơ bị phá sản, nhưng điều tôi thấy là cần duyệt lại cách thức quản lý tài sản, các tài nguyên của Tòa Thánh, phần lớn tùy thuộc tiền dâng cúng của các tín hữu, lợi nhuận và sự gia tăng giá trị các động sản và bất động sản của Tòa Thánh, khởi đầu từ những gia sản trước đây để lại”.

 Trong cuộc phỏng vấn, trả lời câu hỏi về việc quản trị tài sản trước đây của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Cha Galantino nói: ngoài những tin tức và giả thuyết của báo chí, nhà chức trách tư pháp điều tra của Vatican sẽ xác định xem có những gì là bất hợp lệ hay không và đưa ra các biện pháp.

 Hết sức minh bạch

 Một điều mà Đức Cha Galantino nhấn mạnh trong tiến trình cải tổ tài chánh của Tòa Thánh là quyết tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và của Giáo triều Roma làm sao đạt tới một sự minh bạch, hiệu năng hơn trong việc kiểm soát và thích ứng hơn kinh tế của Tòa Thánh với sứ mạng của Giáo Hội, làm sao để Dân Chúa, khi quảng đại hỗ trợ sứ mạng của Giám Mục Roma, họ có thể thi hành việc dâng cúng này trong sự tin tưởng những đóng góp của họ được quản trị một cách thích hợp, minh bạch và được kiểm soát phải phép. Nói khác đi, “việc loan báo và rao giảng Tin Mừng cũng tiến qua sự đáng tín nhiệm và thanh danh của những người được kêu gọi loan báo và truyền giảng Tin Mừng”.

Giuse Trần Đức Anh O.P

Nguồn: Đài Vatican News