Đức Hồng Y Bo: Buôn bán nội tạng là một hình thức ‘tội phạm có tổ chức’ mới

19/05/2022

Vatican. Đức Hồng y Charles Bo của Myanmar đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về buôn bán nội tạng, gọi đây là một hình thức mới của “hoạt động ăn thịt người” tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận và trở nên trầm trọng thêm do chiến tranh.

Đức Hồng Y Charles Maung Bo nói rằng bất chấp nhiều nỗ lực chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại này, cuộc xung đột ngày càng gia tăng ở những nơi như Ucraina và Myanmar, “đã gây nên một sự cấp bách mới và tuyệt vọng cho vấn đề này.”

“Đây là thời đại của thảm họa đạo đức,” Đức Tổng Giám mục Yangon, Myanmar, cảnh báo khi phát biểu trong cuộc họp của Nhóm Santa Marta tại Học viện Khoa học Giáo hoàng ở Casina Pio IV, Vatican.

Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) bày tỏ: “Cuộc thảm sát về luân lý trong sự mỏng manh của con người đang hoành hành. Nó xảy ra ở mọi quốc gia, trong các vùng chiến sự, nơi hàng triệu người đang chạy trốn.”

“Trong khi hàng nghìn người đang thể hiện sự quảng đại đối với những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thì những con sói buôn người vô tâm, giả danh là những người giúp đỡ nhân từ vẫn tiếp tục.”

Đức Hồng y nhớ lại, ĐTC Phanxicô đã lên án nạn buôn người trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, và liên tục gọi đây là “một tội ác chống lại nhân loại.” Đức Hồng Y Bo nói rằng là một Kitô hữu cần phải tiến hành “một cuộc chiến” chống lại nạn buôn người.

Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng buôn bán người tạo ra 150,2 tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp mỗi năm, là nền kinh tế bất hợp pháp lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau việc bán vũ khí và thu nhập của các băng đảng ma túy.

Đức Hồng Y Bo giải thích, ba hình thức buôn người phổ biến nhất là buôn bán tình dục, nợ nần, và lao động cưỡng bức, còn được gọi là nô lệ không tự nguyện. Đức Hồng Y nói, cưỡng ép kết hôn, cưỡng bức ăn xin và cưỡng bức sinh sản là những nỗi thống khổ khác làm gia tăng tội ác này.

Mối đe dọa mới trong các dịch vụ y tế

ĐHY cũng nói về “nỗi kinh hoàng” của các “hình thức ăn thịt người” mới, và cảnh báo rằng không quốc gia nào được an toàn trước “hoạt động buôn bán bất chính” này.

“Nhắm vào nhóm người yếu thế nhất trên thế giới, các băng nhóm tội phạm buôn người từ 127 quốc gia và xuất khẩu dưới dạng hàng hóa đến 137 quốc gia. Trong số đó, trẻ em và phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ lớn… Cứ năm nạn nhân thì có một nạn nhân là trẻ em. Hai phần ba số nạn nhân bị buôn bán trên thế giới là phụ nữ ”.

Đức Hồng Y cảnh báo về “một mối đe dọa mới nổi lên từ một lĩnh vực mới đầy bất ngờ: dịch vụ y tế, trong đó việc thay đổi các bộ phận trên cơ thể người là một tính năng mới của thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu.” ĐHY nói, nạn nhân bị khai thác bởi dịch vụ này là những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở các nước nghèo tại Châu Á và Châu Phi.

Giáo hội Công giáo đi đầu

Đức Hồng Y nhấn mạnh cách Giáo hội Công giáo đã đi đầu trong việc chống nạn buôn người, đồng thời lên án “thực tế đáng lo ngại mới” mà Giáo hội và các cộng sự đang đối diện, khi hàng ngàn người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đang trở thành nạn nhân hơn bao giờ hết.

Trong khi lưu ý rằng sự phát triển ồ ạt của khoa học y tế trong những thập kỷ gần đây đã mang lại lợi ích cho hầu hết các nước giàu, ĐHY cảnh báo rằng nội tạng và các bộ phận cơ thể đã trở thành hàng hóa được giao dịch thông qua thị trường trực tuyến. ĐHY cho rằng vấn nạn tồn tại là “do luật pháp thiếu ràng buộc đầy đủ và việc vẫn còn nhiều người nằm trong nhóm dễ bị tổn thương về mặt kinh tế và xã hội.” “Buôn bán nội tạng đang trở thành một hình thức ‘tội phạm có tổ chức’.”

Bất chấp nỗi kinh hoàng đang ảnh hưởng đến thế giới này, Đức Hồng Y Bo kết luận bằng cách nhắc nhở rằng Thiên Chúa đã hứa sẽ luôn ở bên chúng ta. Ngài nói: “Đó là Thiên Chúa của lịch sử, Thiên Chúa Chúa của yêu thương, hằng sống và giải phóng, Đấng đang kêu gọi chúng ta đến với sứ mạng toàn cầu”.

Văn Cương, SJ

Nguồn: Đài Vatican News