Vào lúc 5 giờ chiều thứ Ba ngày 20/5/2025, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đến viếng Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành và cầu nguyện trước mộ thánh nhân. Trong bài chia sẻ ngắn, ĐTC Lêô XIV nhấn mạnh rằng nguồn gốc của mọi sứ vụ chính là Thiên Chúa, Đấng yêu thương và chọn gọi chúng ta trước, nhưng chúng ta cũng cần tin tưởng và tự do đón nhận.
Sau khi được chào đón bởi Đan viện phụ của Đan viện Thánh Phaolô Ngoại thành và Đức Hồng y Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô, ĐTC Lêô XIV cùng đoàn rước tiến qua Cửa Thánh đi vào Đền thờ.
Đến trước bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, ĐTC Lêô XIV đi xuống viếng Mộ Thánh Tông đồ Phaolô và bắt đầu cử hành phụng vụ với Dấu Thánh Giá và lời chào phụng vụ.
Sau đó, cộng đoàn cùng nghe đoạn thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Roma (1,1-6.8-9.11-12.14-15):
Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân trở thành Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô.
Trước hết, nhờ Đức Giêsu Kitô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em, vì trong khắp hoàn cầu, ai ai cũng đều nói đến lòng tin của anh em. Thiên Chúa là Đấng tôi hết lòng thờ phượng khi loan báo Tin Mừng về Con của Người, chính Người làm chứng cho tôi là tôi hằng nhắc nhở đến anh em.
Thật vậy, tôi rất ước ao được gặp anh em, để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ của Thánh Thần, nhờ đó anh em vững mạnh, nghĩa là để chúng ta cùng khích lệ nhau, bởi vì cả anh em lẫn tôi, chúng ta đều chung một niềm tin.
Tôi mắc nợ người Hy Lạp cũng như người man di, người thông thái cũng như người dốt nát. Bởi vậy, tôi nóng lòng loan báo Tin Mừng cho cả anh em nữa, những người đang sống ở Roma.
Và ĐTC Lêô XIV đã có bài suy tư ngắn về đoạn thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Roma. Ngài nói:
Đoạn Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe là phần mở đầu của một lá thư tuyệt hay được Thánh Phaolô viết cho các tín hữu ở Roma. Sứ điệp của lá thư xoay quanh ba chủ đề lớn: ân sủng, đức tin và ơn công chính. Khi chúng ta phó thác sự khởi đầu của Triều đại Giáo hoàng mới này cho sự chuyển cầu của Vị Tông đồ của Dân ngoại, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về sứ điệp của ngài.
Ân sủng: Thiên Chúa yêu thương và chọn gọi chúng ta trước
Trước hết, Thánh Phaolô nói rằng ngài đã nhận được từ Thiên Chúa ân sủng về ơn gọi của ngài (xem Rm 1,5). Nghĩa là, ngài nhận ra rằng cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô và sứ vụ của ngài là kết quả của tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho ngài trước, tình yêu đã gọi ngài đến với một cuộc sống mới khi ngài vẫn còn xa rời Phúc Âm và bách hại Giáo hội. Thánh Augustino – cũng là một người hoán cải – đã nói về cùng một kinh nghiệm như sau: “Làm sao chúng ta có thể chọn nếu trước đó chúng ta không được chọn? Chúng ta không thể yêu nếu chúng ta không được yêu trước” (Discourse 34, 2). Ở nguồn gốc của mọi ơn gọi đều có Thiên Chúa: lòng thương xót, lòng nhân từ của Người, quảng đại như lòng mẹ (x. Is 66,12-14), người nuôi dưỡng con mình bằng chính thân thể mình khi đứa trẻ vẫn chưa có khả năng tự nuôi sống mình (x. THÁNH AUGUSTINE, Giải thích về Thánh vịnh 130,9).
Đức tin: Sự tự do đón nhận của con người
Tuy nhiên, trong cùng đoạn văn đó, Thánh Phaolô cũng nói về “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1,5), và ở đây ngài cũng chia sẻ những gì ngài đã trải nghiệm. Thực ra, khi hiện ra với ngài trên đường đi Đamát (x. Cv 9,1-30), Chúa không tước mất tự do của ngài, nhưng cho ngài cơ hội để đưa ra quyết định, để chọn một sự vâng phục là kết quả khổ luyện từ những đấu tranh nội tâm cho đến bên ngoài, điều mà ngài vui lòng đối mặt. Ơn cứu độ không đến bằng phép thuật, nhưng bằng mầu nhiệm của ân sủng và đức tin, của tình yêu thương đi bước trước của Thiên Chúa, và của lòng tin tưởng và sự tự do đón nhận của con người (xem 2 Tm 1,12).
Trở thành chứng nhân tình yêu
Trong khi chúng ta tạ ơn Chúa vì lời kêu gọi đã biến đổi cuộc đời của ông Saolô, chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết cách đáp lại lời mời gọi của Người theo cách tương tự, trở thành những chứng nhân của tình yêu “được đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúng ta cầu xin Chúa vun trồng và truyền bá lòng bác ái của Người, làm cho chúng ta trở nên người thân cận của nhau (x. PHANXICÔ, Bài giảng Kinh Chiều II lễ kính Thánh Phaolô trở lại, ngày 25 tháng 1 năm 2024). Chúng ta hãy thi đua trong việc thể hiện tình yêu mà sau cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã thúc đẩy kẻ bách hại xưa kia trở nên “mọi sự cho mọi người” (x. 1 Cr 9,19-23), ngay cả đến mức tử đạo. Vì thế, đối với chúng ta cũng như đối với Thánh Phaolô, sự yếu đuối của xác thịt sẽ bày tỏ sức mạnh của đức tin vào Thiên Chúa, Đấng ban ơn công chính (xem Rm 5,1-5).
Luật Biển Đức: tình bác ái huynh đệ và đón tiếp mọi người
Trong nhiều thế kỷ, Đền thờ này đã được giao phó cho cộng đoàn dòng Biển Đức chăm sóc. Vậy thì, khi nói về tình yêu như là nguồn mạch và động lực thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng, làm sao chúng ta có thể không nhớ đến lời kêu gọi không ngừng của Thánh Biển Đức, trong Luật của ngài, về tình bác ái huynh đệ trong tu viện và lòng hiếu khách đối với mọi người (Luật, chương LIII; LXIII)?
Tình yêu Thiên Chúa là nguồn gốc của ơn gọi
Nhưng tôi muốn kết thúc bằng cách nhắc lại những lời mà hơn một ngàn năm sau, một vị Biển Đức khác, Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI, đã nói với những người trẻ: “Các bạn thân mến,” ngài nói, “Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Đây là chân lý vĩ đại của cuộc sống chúng ta và điều này mang lại ý nghĩa cho mọi thứ khác […]. Ngay từ nguồn gốc sự hiện hữu của chúng ta, có một kế hoạch yêu thương từ Thiên Chúa”, và đức tin dẫn chúng ta đến “việc mở lòng mình ra với mầu nhiệm tình yêu này và sống như những người nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương” (Bài giảng tại buổi cầu nguyện canh thức với những người trẻ, Madrid, ngày 20 tháng 8 năm 2011).
Đây chính là gốc rễ đơn giản và độc đáo của mọi sứ vụ, kể cả sứ vụ của tôi, với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô và là người thừa hưởng lòng nhiệt thành tông đồ của Thánh Phaolô. Xin Chúa ban cho tôi ơn biết đáp lại tiếng gọi của Người một cách trung thành.
Sau khi cùng cộng đoàn đọc Kinh Lạy Cha, ĐTC Lêô XIV đọc lời nguyện kết thúc và ban phép lành cho cộng đoàn.
Cử hành phụng vụ kết thúc với kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News