VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô phê bình thái độ ”khép kín đối với những người cũng có quyền được an ninh và điều kiện sống xứng đáng như chúng ta. Sự khép kín đó xây dựng các bức tường, thực sự hay tưởng tượng, thay vì xây cầu.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng hôm qua, 6-7-2018 tại Đền thờ Thánh Phêrô, để cầu cho những người di dân và những người cứu cấp, nhân dịp kỷ niệm 5 năm cuộc viếng thăm lịch sử của ngài tại đảo Lampedusa ở miền cực nam Italia, ngày 8-7 năm 2013, nơi các thuyền và tàu của người di dân thường cập bến trên đường từ Phi châu tìm vào Âu Châu.
Trong số những người hiện diện trong thánh lễ cũng có khoảng 200 người tị nạn và thiện nguyện. Khoảng 15 điều hợp viên các miền thuộc phân bộ di dân và tị nạn trong Bộ Phát Triển nhân bản toàn diện, một số thành viên của hải quân tuần duyên Italia, tổ chức bác sĩ không biên giới và tổ chức thiện nguyện ”Save the Children” (Hãy cứu các trẻ em). Phần thánh ca do các nữ tu nam nữ thuộc Huynh Đoàn Đan tu Jerusalem ở Roma.
Đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô có ĐHY John Ribat, và 10 GM, cùng với 20 LM, trong đó có 2 vị Phó Tổng thư ký thay Đức Thánh Cha Phanxicô đặc trách về di dân và tị nạn, thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, đó là cha Fabio Baggio dòng Scalabrini ngừơi Ý và cha Michael Czerny, dòng Tên người Canada.
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng trong số những người bé nhỏ bị tiêu diệt như ngôn sứ Amos đã tố giác trong bài đọc thứ I (Am 8,4.11), nạn nhân của nền văn hóa loại bỏ, cũng có những người di dân và tị nạn tiếp tục gõ cửa các quốc gia sung túc hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc rằng cách đây 5 năm tại đảo Lampedusa, ngài đã trích dẫn lời Chúa hỏi Cain: ”Em ngươi ở đâu? Máu của em ngươi đã kêu thấu tới Ta”. Đây không phải là câu hỏi được gửi đến những ngừơi khác, nhưng là câu được gửi đến tôi, đến bạn, và mỗi người trong chúng ta. Rất tiếc những câu trả lời cho tiếng gọi đó, tuy quảng đại, nhưng không đủ, và ngày nay chúng ta lại thương khóc hàng ngàn người chết”.
Dựa vào bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng Chúa hứa giải phóng mọi người bị áp bức trên thế giới, nhưng Chúa cần chúng ta để làm cho lời hứa ấy được ứng nghiệm. Chúa cần đôi mắt của chúng ta để thấy những nhu cầu của anh chị em. Ngài cần đôi tay của chúng ta để cứu giúp. Chúa cần tiếng nói của chúng ta để tố giác những bất công diễn ra trong thinh lặng nhiều khi đồng lõa của nhiều người”.
Và Đức Thánh Cha Phanxicô xác quyết rằng ”đứng trước những thách đố di dân ngày nay, câu trả lời duy nhất hữu lý là câu trả lời liên đới và thương xót; một câu trả lời không quá tính toán, nhưng đòi một sự phân phối công bằng các trách nhiệm, một sự thẩm định lương thiện và thành thực về những giải pháp khác và một sự quản trị thận trọng.. Nền chính trị đúng đắn trù định những giải pháp thích hợp để bảo đảm an ninh, tôn trọng các quyền và phẩm giá của mọi người, biết nhìn đến thiện ích của đất nước mình và để ý đến thiện ích của các nước khác, trong một thế giới ngày càng liên quan với nhau”.
Cầu cho di dân và tị nạn
Trong thánh lễ, một số lời nguyện phổ quát đã được xướng lên, trong đó có lời cầu xin Chúa chúc lành cho những người cứu giúp thuyền nhân trên Địa Trung Hải và xin Chúa gia tăng nơi mỗi người lòng can đảm nói lên sự thật và tôn trọng mỗi sinh mạng con người.
Cộng đoàn cũng cầu nguyện cho những người thiệt mạng, những người sống sót và những người trợ giúp họ.
Trong lời nguyện kết thúc, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Thiên Chúa là ”Cha tất cả mọi người, đối với Chúa không có ai là người ngoại quốc, không ai bị loại trừ khỏi tình phụ tử của Chúa, xin Chúa yêu thương nhìn đến những người tị nạn, di dân, các nạn nhân bị chia cách, các trẻ em bị bỏ rơi và vô phương thế tự vệ, để tất cả mọi người được sự nồng ấm của một gia cư và một tổ quốc, và xin Chúa ban cho mỗi người chúng con một trái tim quảng đại và nhạy cảm đối với những người nghèo khổ và bị áp bức”.
Thánh lễ cầu nguyện do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự mang một ý nghĩa đặc biệt giữa lúc liên đảng mới lên cầm quyền tại Italia quyết định đóng cửa các hải cảng không đón nhận các tàu vớt thuyền nhân, một số nước khác ở Âu Châu đóng cửa biên giới không nhận người di dân và tị nạn, và Liên hiệp Âu Châu gặp khó khăn trong việc tìm ra một chính sách thống nhất đối với người di dân và tị nạn. (Rei 6-7-2018)
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican