Mát-thêu, người thu thuế, như vậy đã là một người thối nát, vì tiền mà phản bội đất nước. Tệ hơn nữa là một kẻ phản bội dân tộc mình. Ai đó có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu không biết chọn người, vì theo Mát-thêu, Ngài đã chọn rất nhiều người khác bằng việc kêu gọi họ “từ chỗ bị khinh bỉ nhất.” Cũng thế, với người phụ nữ Samari và nhiều người tội lỗi khác, Ngài đã cắt đặt họ làm môn đệ.
Và trong đời sống Giáo Hội, rất nhiều Kitô hữu, rất nhiều vị thánh đã được chọn từ chỗ rốt cùng nhất… được chọn từ chỗ thấp hèn nhất. Kitô hữu chúng ta phải ý thức từ nơi đâu chúng ta được chọn, từ đâu mà anh hay chị được chọn làm Kitô hữu. Ý thức ấy cần phải kéo dài trong suốt cuộc đời, ở lại trong đó và nhớ tới tội lỗi của chúng ta, nhớ rằng Thiên Chúa đã xót thương tội lỗi của tôi và đã chọn tôi để là một Kitô hữu, để là một tông đồ.
Mát-thêu không quên nguồn gốc của mình
Rồi Đức Thánh Cha Phanxicô miêu tả phản ứng của thánh Mát-thêu đối với lời Chúa kêu gọi: ông không mặc đồ xa hoa, ông quan sát, ông không bắt đầu nói với những người khác rằng: tôi là hoàng tử của các Tông Đồ, ở đây tôi chỉ huy. Không! Ngài đã đã làm việc vì Tin Mừng trong suốt cuộc đời mình.
Khi vị tông đồ quên đi nguồn gốc của mình, và bắt đầu tranh thủ tiến thân, thì người ấy rời xa Chúa và trở thành một công chức; Có lẽ người ấy làm việc rất tốt, nhưng không phải là tông đồ. Người ấy sẽ không có khả năng thông truyền Chúa Giêsu; họ có thể là một chuyên gia của những chương trình mục vụ, của rất nhiều thứ; nhưng rốt cuộc, chỉ là một doanh nhân, một doanh nhân của Nước Thiên Chúa, bởi vì người ấy đã quên mình được chọn từ nơi đâu.
Chính vì thế việc nhớ lại nguồn gốc của chúng ta thật rất quan trọng và cần thiết: ký ức này phải đồng hành với cuộc sống của người tông đồ và của mỗi Kitô hữu.
Chúng ta thiếu quảng đại, nhưng Thiên Chúa thì không
Tuy nhiên, thay vì nhìn vào chính mình, chúng ta lại hay nhìn người khác, các lỗi lầm của họ, và nói xấu họ. Đây là một thói quen sẽ làm ta bệnh hoạn. Tốt hơn, hãy tố cáo chính mình, và nhớ rằng mình đã được Chúa chọn từ đâu, và đã đưa mình đến đây. Khi Chúa chọn, Ngài chọn vì một điều gì đó cao cả. Là Kitô hữu là một điều lớn lao, tốt đẹp. Chính chúng ta là những người xa rời chính mình và dừng lại ở nửa đường. Chúng ta thiếu sự quảng đại và chúng ta mặc cả với Chúa. Nhưng Ngài chờ đợi chúng ta.
Xì-căng-đan của các tiến sĩ Luật
Khi được gọi, thánh Mát-thêu bỏ tình yêu của mình, bỏ tiền tài để theo Chúa Giêsu. Và ngài đã mời những người bạn trong nhóm của mình đến dùng bữa tối để ăn mừng Thầy. Vì thế, ở bàn ăn Ngài đã ngồi với những kẻ tồi bại nhất trong những kẻ tồi bại trong xã hội thời ấy. Và Chúa Giêsu ở với họ.
Và các tiến sĩ Luật coi đó là gương mù gương xấu. Họ gọi các môn đệ lại và nói: “Tại sao Thầy của các anh lại làm điều đó, với lũ người này? Ngài bị ô uế!” Ăn uống với những người ô uế sẽ làm các anh trở thành ô uế, các anh không còn trong sạch nữa. Và Chúa Giêsu nói lời này lần thứ ba: hãy đi và học cho biết ý nghĩa của câu “ta muốn lòng thương xót, chứ không cần lễ tế.” Lòng thương xót của Thiên Chúa tìm đến với mọi người, tha thứ cho tất cả. Chỉ thế thôi, ngài xin bạn nói rằng: “Vâng, xin giúp con.” Chỉ vậy thôi.
Mầu nhiệm lòng thương xót là trái tim của Thiên Chúa
Đối với những người cho là gương mù gương xấu, Chúa Giêsu trả lời rằng không ai khoẻ mà lại cần thầy thuốc, nhưng người đau yếu thì cần. Và “ta muốn lòng thương xót, chứ không cần lễ tế.” “Hãy hiểu lòng thương xót của Chúa là một mầu nhiệm, mầu nhiệm cao cả nhất, đẹp nhất là trái tim của Chúa. Nếu bạn muốn đi tới với con tim của Thiên Chúa, hãy đi theo con đường của lòng thương xót, và hãy để cho mình được đối xử với lòng xót thương.
Trần Đỉnh, SJ
Nguồn: Đài Vatican