Đức Thánh Cha Phanxicô: Kitô hữu đích thực ở lại trong tình yêu Thiên Chúa

10/10/2018
Matta và Maria là những nhân vật chính trong Tin Mừng hôm nay, họ dạy chúng ta lối sống của người Kitô hữu, người yêu mến Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về điều này trong bài giảng tại nhà nguyện thánh Matta, mời gọi chúng ta suy tư về cách thức chúng ta làm việc, cũng như về thời gian chúng ta dành để chiêm niệm.

Từ chìa khoá để không mắc sai lầm trong đời Kitô hữu của chúng ta là ở lại trong tình yêu Thiên Chúa và nhận lãnh những khởi hứng từ Người cho những hành động của chúng ta. Cũng như thánh Phaolo tông đồ miêu tả về cuộc sống của mình trong thư thứ nhất gửi tín hữu Galat. Một sự cân bằng giữa “chiêm niệm và phục vụ”, hai phẩm tính được trình bày rõ ràng trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, tập trung vào hình tượng Matta và Maria, chị em của Lazaro ở Betania, và tại nhà của họ, Chúa Giêsu là thượng khách.

Kitô hữu bận rộn nhưng không có bình an của Thiên Chúa

Họ là hai chị em, mà với cách thức hành động của mình, họ dạy chúng ta phải tiến bước thế nào trong đời sống Kitô hữu. Maria lắng nghe Đức Chúa, trong khi Matta “phân tâm” bởi vì chị bận phục vụ. Hãy nhìn xem, Matta là một trong những người phụ nữ “mạnh mẽ,” và thậm chí có thể trách Chúa vì không hiện diện trong khi người em Lazaro qua đời. Chị ấy biết cách bước tới, và cũng rất dũng cảm, chị thiếu chiêm niệm, không có khả năng “phí giờ để nhìn ngắm Thiên Chúa.”

Có rất nhiều Kitô hữu đi lễ Chúa Nhật, nhưng sau đó lại luôn bận rộn. Họ không có cả thời gian cho con cái, hay cho việc chơi đùa cùng chúng: điều này rất tệ. Bố mẹ có rất nhiều việc phải làm, bố mẹ rất bận… Và rốt cuộc, họ trở nên những người yêu thích một tôn giáo theo chủ nghĩa bận rộn. Họ thuộc về nhóm những người bận rộn, luôn làm việc… Nhưng hãy dừng lại, hãy nhìn ngắm Thiên Chúa, cầm lấy cuốn Tin Mừng, lắng nghe Lời Chúa, mở con tim mình. Không: luôn luôn ngôn ngữ của đôi tay, luôn luôn. Và họ làm rất tốt, nhưng không phải là những Kitô hữu tốt: một người tốt. Những người này thiếu chiêm niệm. Matta thiếu điều đó. Cô can đảm, luôn tiến về phía trước, mang nhiều thứ trên tay, nhưng cô thiếu bình an: phí giờ để chiêm ngắm Thiên Chúa.

Chiêm niệm không phải là không làm gì

Ngược lại, Maria không phải là không làm gì. Cô chiêm ngắm Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa đụng chạm đến con tim cô. Và từ đó, từ linh hứng của Thiên Chúa, chính từ nơi đó khởi phát công việc mà cô cần phải thực hiện. Chính luật của thánh Biển Đức, “cầu nguyện và lao động” là điều mà các nam nữ đan sĩ sống và thể hiện. Những con người đó chắc chắn không đứng cả ngày để nhìn trời. Họ cầu nguyện và lao động. Và đặc biệt, đó cũng chính là điều thánh Phaolo thể hiện, như ngài viết trong thư thứ nhất hôm nay. Khi Thiên Chúa chọn ngài, ngài không rao đi rao giảng ngay lập tức, nhưng ngài đi cầu nguyện, và chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô – Đấng đã mạc khải cho ngài.

Mỗi điều thánh Phaolo làm, ngài làm nó với tinh thần chiêm niệm, nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa nói từ con tim của Người, vì Phaolo là người phải lòng Thiên Chúa. Và điều này là từ chìa khoá để không phạm sai lầm: ở lại trong tình yêu. Để biết mình đang ở thái cực nào, hoặc là ta sống thái quá trong sự chiêm niệm quá trừu tượng, thậm chí như nhóm Ngộ đạo, hoặc là ta quá bận rộn, thì ta phải tự vấn mình: “Tôi có đang yêu Chúa không? Tôi có chắc chắn rằng Chúa đã chọn tôi không? Hay tôi sống đời Kitô hữu của mình thế này, làm những việc thế kia, … đúng rồi, tôi làm những việc này, tôi làm những việc kia, tôi làm nhưng tôi có nhìn xem, con tim của tôi như thế nào? Nó có chiêm niệm không?”

Chiêm niệm và phục vụ: lối đi trong đời sống chúng ta

Cũng giống như khi một người chồng đi làm về và thấy người vợ ra chào đón mình: người thực sự yêu không mời chồng ngồi xong, rồi lại tiếp tục làm việc nhà, nhưng cô dành giờ ở với anh. Chúng ta cũng dành thời gian cho Thiên Chúa trong việc phục vụ người khác:

Chiêm niệm và phục vụ: đây là lối đi trong cuộc đời của chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy thử nghĩ: tôi dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu? Và sau đó, tôi làm việc thế nào? Tôi có làm nhiều việc đến nối mình trở nên xa lạ với chính mình, hay tôi làm việc tương hợp với niềm tin của tôi, tôi làm việc như một việc phục vụ đến từ Tin Mừng? Thật là tốt khi chúng ta suy nghĩ như thế.

Trần Đỉnh, SJ

Nguồn: Đài Vatican