ĐTC Phanxicô: Nền văn hoá mà người ta gọi là Kitô giáo lại là ngoại giáo

30/11/2018

Trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm 29/11/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm về sự huỷ diệt và niềm tin, thất bại và chiến thắng. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh báo chúng ta không thể thoả hiệp giữa lối sống Kitô hữu với lối sống thế gian.

Chung cục của thế giới và chung cục của mỗi chúng ta sẽ xảy ra vào một ngày: đó là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa tuần này nói với chúng ta và hai bài đọc hôm nay cũng thế. Bài đọc thứ nhất trích sách Khải Huyền của thánh Gioan tông đồ, miêu tả sự sụp đổ của thành Babilon, thành phố tráng lệ – biểu tượng của thế gian, của xa hoa, của tự đủ, của sức mạnh thế giới này. Bài đọc thứ hai trích từ Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật về ngày tàn của thành Giêrusalem – biểu tượng của thánh đô.

Thành Babilon sụp đổ, mục nát

Trong ngày phán xét, thành Babilon sẽ bị tiêu diệt cùng với một tiếng hô vang chiến thắng. Đức Chúa xử phạt rằng “Con điếm cầm đầu” sẽ sụp đổ và người ta sẽ nhìn thấy bộ mặt thật của nó: “sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thứ thần ô uế”. Đằng sau vẻ tráng lệ của mình nó hiện rõ sự thối nát, những lễ hội của nó chỉ là thứ hạnh phúc giả tạo, lừa lọc. Nó sẽ bị trừng phạt thẳng tay và “không ai còn tìm thấy nó nữa”.

Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc sĩ gảy đàn, ca hát, thổi sáo và thổi kèn, – chẳng còn tiệc tùng hoành tráng, không còn nữa… Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy thợ thủ công thuộc mọi ngành nghề – bởi vì ngươi không phải là thành phố của dựng xây, mà là thối nát. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cối xay bột nữa. Ngươi sẽ là một thành được chiếu sáng nhưng lại không có ánh sáng. Thành ấy là thành thối nát. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cô dâu chú rể. Có rất nhiều cặp đôi, có rất nhiều  người, nhưng lại chẳng có tình yêu. Sự sụp đổ ấy bắt đầu từ bên trong nó và sẽ kết thúc khi Đức Chúa nói: “Đủ rồi”. Và sẽ đến ngày Đức Chúa nói: “Đủ rồi đối với bộ mặt, với bề nổi của thế gian này”. Đó sẽ là cuộc khủng hoảng của một nền văn hoá mà người ta vẫn tin với sự tự hào, sung túc, chuyên quyền. Và kết thúc thế thôi.

Giêrusalem đã mở cửa cho những thứ ngoại bang

Giêrusalem sẽ nhìn thấy mình sụp đổ vì một loại sa đoạ khác: “sự mục nát do bội tín trong tình yêu, nó không có khả năng nhận biết tình yêu Thiên Chúa nơi Người Con Chí Ái”. Đức Chúa sẽ trừng phạt, sẽ để cho Thánh đô “bị những kẻ dân ngoại giày xéo, giẫm đạp” bởi vì nó đã mở con tim của mình cho những thứ ngoại bang.

Có những thứ ngoại bang hoá, tà giáo hoá trong đời sống, trong hoàn cảnh Kitô giáo chúng ta. Chúng ta sống như những Kitô hữu ư? Xem ra là thế. Nhưng sự thật thì sao, chúng ta sống như dân ngoại tà đạo khi chúng ta theo đuổi những thứ này, khi chúng ta bước vào sự quyến rũ của Babilon và rốt cuộc, Giêrusalem sống như Babilon. Bạn muốn làm cho những thứ không thể dung hợp kết hoà với nhau. Và cả hai sẽ bị xét xử, kết án. Bạn là Kitô hữu ư? Hãy sống như một Kitô hữu. Bạn không thể trộn nước lã với dầu ô-liu được. Chúng luôn khác nhau. Rốt cục, có một nền văn hoá đối chọi nhau ngay trong chính mình: người ta nói mình là Kitô hữu và sống như thể người ngoại.

Ơn cứu độ dành cho những ai hy vọng nơi Thiên Chúa

Trong hai bài đọc hôm nay, sau lời phán xử hai thành phố ấy, người ta sẽ lắng nghe lời Thiên Chúa, sau sự phá huỷ ấy sẽ là ơn cứu độ: “Và Thiên thần bảo: ‘Hãy đến đây: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!’. Một đại lễ, đại lễ thực sự!”

Có rất nhiều đau khổ, bi thương trong cuộc đời của chúng ta, nhưng hãy vượt lên những điều này, hãy nhìn đến những chân trời, bởi chúng ta được cứu độ và Thiên Chúa sẽ đến và cứu thoát chúng ta. Điều này dạy chúng ta sống những thử thách gian nan của thế gian này nhưng không thoả hiệp với tính thế gian, với tính ngoại bang tà giáo. Thoả hiệp chỉ đưa tới diệt vong thôi. Nhưng hãy sống trong hy vọng, đừng dính bén với cám dỗ thế gian và ngoại giáo, hãy nhìn về phía chân trời, hãy đặt hy vọng nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa của chúng ta. Hy vọng là sức mạnh của chúng ta: hãy tiến bước. Nhưng chúng ta cần phải xin ơn Chúa Thánh Thần.

Tất cả sẽ sụp đổ: chỉ những ai khiêm nhường còn ở lại

Chúng ta hãy suy nghĩ về những thành Babilon của thời đại này, về những đế quốc hùng mạnh, như một Babilon ở thế kỷ trước đã sụp đổ. Và cũng thế những thành phố tráng lệ ngày nay sẽ tàn lụi. Và cuộc sống của chúng ta cũng suy tàn, nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường tà giáo hoá, dân ngoại hoá.

Chỉ những ai đặt hy vọng nơi Thiên Chúa còn ở lại. Vì thế, chúng ta hãy mở con tim của mình với đức cậy và hãy tránh xa những hình thức dân ngoại hoá trong thế giới này.

Trần Đỉnh, SJ

Nguồn: Đài Vatican