Trong buổi gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên hôm 29/4 nhân chuyến tông đến Hungary vừa qua, Đức Thánh Cha nhắc rằng, khi thi hành mục vụ với người trẻ cần phải làm chứng, đặc biệt đối với những ai đang đồng hành với tu sĩ trẻ cần phải đối thoại như giữa những người trưởng thành.
Đây là một cuộc gặp gỡ riêng, nên hôm thứ Ba, tạp chí Văn minh Công giáo của Dòng Tên mới cho công bố. Trong buổi nói chuyện có hai tu sĩ đặt câu hỏi liên quan đến mục vụ giới trẻ. Về điều này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh cần phải “làm chứng”. Bởi vì không có chứng tá, người ta chẳng làm được gì. Chứng tá có nghĩa là sự nhất quán của cuộc sống.
Theo Đức Thánh Cha, trong khi thi thành mục vụ giới trẻ cần phải nói rõ ràng, cho họ thấy rõ tính nhất quán. Người trẻ có khả năng hiểu những gì không nhất quán. Cách riêng đối với những ai đang thụ huấn, cần phải nói với họ như giữa những người lớn với nhau, chứ không phải nói với trẻ em. Người trẻ không chấp nhận kiểu nói nước đôi. Cần phải nói rõ ràng, nhưng với sự nhã nhặn, tình huynh đệ và phụ tử.
Cũng liên quan đến việc đồng hành với người trẻ trong môi trường đào tạo, Đức Thánh Cha nói: “Hãy để người trẻ nói lên những gì họ cảm nhận. Đối với tôi, đối thoại giữa một người trẻ và một người lớn tuổi là quan trọng. Mọi điều phải được nói đúng: những khó khăn, tội lỗi”.
Một câu hỏi khác liên quan đến Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha khẳng định Công đồng vẫn đang được áp dụng. Ngài giải thích, dòng chảy lịch sử và ân sủng như nhựa cây đem lại hoa trái. Nhưng không có dòng chảy này, người ta chỉ là một “xác ướp”. Và đối với những người muốn quay ngược lại không muốn thay đổi, ngài nhắc lại rằng những gì Thánh Vinh Sơn thành Lérins đã khẳng định, theo đó giáo lý Kitô giáo tiến triển, củng cố theo năm tháng, phát triển, đào sâu theo thời gian.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng “căn bệnh hoài cổ” này là một phần lý do trong tự sắc “Traditionis custodes – Người gìn giữ Truyền thống” ngài quy định các linh mục mới chịu chức gần đây phải có phép mới được cử hành Thánh lễ theo nghi thức trước Công đồng. Ngài nhận xét thêm rằng “quay ngược lại” không phù hợp với tầm nhìn mục vụ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican