Đáp lại các đề nghị của Ủy ban hoàng gia Úc liên quan đến vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em, các Giám mục và các dòng tu ở Australia chấp nhận 98% các đề nghị được đưa ra, nhưng cho biết các ngài không thể chấp nhận đề nghị vi phạm ấn tòa giải tội.
Vào cuối năm 2017, Ủy ban hoàng gia Úc đã đưa ra phúc trình dài về việc lạm dụng tính dục trẻ em. Phúc trình này dựa trên các cuộc điều tra và nghe nhân chứng được thực hiện trong 5 năm, với gần 26 ngàn email, và hơn 42 ngàn cuộc gọi điện thoại. Vào tháng 02/2017, các lãnh đạo Giáo hội tại Australia đã điều trần trước Ủy ban trong vòng 3 tuần.
Cùng với phúc trình, Ủy ban hoàng gia đã đưa ra nhiều đề nghị, trong đó có việc yêu cầu các Giám mục tham vấn với Tòa Thánh để xác định rõ xem “thông tin nhận được từ một trẻ em trong khi xưng tội về việc các em bị lạm dụng tính dục có buộc giữ kín bởi ấn tòa giải tội hay không” và “nếu một người xưng tội, thú nhận mình phạm tội lạm dụng tính dục trẻ em, thì việc tha tội có thể và có nên được rút lại cho đến khi họ xưng thú với chính quyền dân sự” hay không. Ủy ban cũng đề nghị việc xưng tội được thực hiện tại một nơi không đóng kín và một người lớn khác có thể nhìn thấy rõ.
Ngày 31/08/2018, hơn 8 tháng sau khi bản phúc trình được công bố, các Giám mục và các dòng tu ở Australia đã chính thức trả lời các đề nghị của Ủy ban hoàng gia.
Trong lời mở đầu bản trả lời, các Giám mục và tu sĩ Australia khẳng định: “Chúng tôi cam kết bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương trong khi vẫn giữ ấn tòa giải tội. Chúng tôi không thấy biện pháp bảo vệ và ấn tòa giải tội như là các yếu tố loại trừ lẫn nhau.”
Bản trả lời cho biết là các giáo phận sẽ xem xét các nơi chốn và việc cử hành bí tích hòa giải. Các Giám mục và các dòng tu cho biết việc xưng tội của các nhóm trẻ em thường được cử hành ở nơi mở và Ủy ban về tiêu chuẩn Công giáo chuyên nghiệp đang đưa ra các tiêu chuẩn và quy trình. Bản trả lời nhấn mạnh: “Tuy thế, ấn tòa giải tội không thể bị vi phạm bởi các linh mục giải tội.”
Bản trả lời nhận định rằng sự an toàn của các trẻ em sẽ bị giảm đi nếu các linh mục bị buộc phải trình báo về các cuộc xưng tội: các tội nhân sẽ không xưng tội nếu sự tin tưởng nơi ấn tòa giải tội bị xem nhẹ; và như thế cơ hội khuyến khích các tội nhân thú tội với chính quyền dân sự hoặc giúp cho các nạn nhân được an toàn sẽ bị mất đi. Đặc biệt, “việc buộc báo cáo về các lời xưng tội là việc vi phạm tự do tôn giáo và thực hành tín ngưỡng.”
Trong bản trả lời, các Giám mục và dòng tu của Australia cũng lưu ý đến vài đề nghị liên quan đến Tòa Thánh. Ví dụ, Ủy ban hoàng gia đề nghị các Giám mục kêu gọi Vatican thay đổi giáo luật để “bí mật của Tòa Thánh” – bí mật xung quanh việc điều tra và tiến trình theo giáo luật – “không áp dụng vào bất cứ khía cạnh nào của những cáo buộc hay tiến trình xử phạt theo giaó luật liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em.” Về vấn đề này, bản trả lời cho biết là các Giám mục đã xin các lời khuyên về giáo luật và tham khảo với Tòa Thánh, nhưng cũng lưu ý rằng bí mật Tòa Thánh “không ngăn cản một Giám mục hay một lãnh đạo tôn giáo báo cáo với chính quyền dân sự về các trường hợp liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em.”
Ủy ban đề nghị các Giám mục kêu gọi Vatican bỏ việc “xem xét quy trách nhiệm” theo giáo luật, theo đó mức độ tội lỗi của một người đối với một tội phạm được giảm xuống mức độ mà người đó không ý thức rằng hành động đó là sai; nếu khả năng quy trách nhiệm giảm đi, thì giáo luật có thể đề nghị một hình phạt nhẹ hơn về tội.
Trả lời cho đề nghị các Giám mục Australia làm việc với Vatican để sửa đổi giáo luật để bỏ giới hạn thời gian để bắt đầu các hoạt động tố tụng theo giáo luật, liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, các Giám mục nói rằng điều này đã được áp dụng ở Australia. Theo các quy tắc được ban hành năm 2003, giới hạn thời hiệu là 20 năm sau khi nạn nhân tròn 18 tuổi; tuy nhiên, luật Giáo hội cũng nói rằng Ủy ban Giáo lý đức tin có thể không theo quy tắc thời hiệu này.
Một số đề nghị của Ủy ban hoàng gia liên quan đến luật độc thân linh mục, bản trả lời cho biết rằng các Giám mục lưu ý rằng Ủy ban hoàng gia không tìm thấy có sự nối kết giữa việc độc thân và lạm dụng tính dục trẻ em; tự nguyện độc thân là một thực hành được thực hành từ lâu và tích cực trong Giáo hội Đông phương cũng như Tây phương, đặc biệt là các Giám mục và những người sống đời tu trì; và việc đào tạo ban đầu và thường kỳ không đầy đủ cho các linh mục và tu sĩ về đời sống độc thân có thể làm gia tăng nguy hiểm của nạn lạm dụng tính dục trẻ em, nhưng độc thân tự nó không phải là một lý do.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican