Đức Cha Sebastianos Rosolatos, TGM Athènes, chủ tịch HDGM Hy Lạp, âu lo cho số phận của đất nước và người dân nước này.
ĐTGM đã bầy tỏ quan ngại trên đây trước tình hình kinh tế xã hội vẫn còn bấp bênh mà người dân Hy Lạp đang tiếp tục gánh chịu từ 8 năm qua và các hy sinh cắt giảm ngân sách khác trong tương lai. Còn đúng một tháng nữa ngày 20 tháng 8 tới đây Hy Lạp sẽ ra khỏi chương trình cứu vớt Troika khiến cho người dân mất 288,7 tỷ Euros. Nhưng các hạn chế vẫn tiếp tục đè nặng trên cuộc sống. ĐC cho biết có lẽ trong năm 2019 và cả 2020 người dân sẽ phải chịu các cắt giảm lương hưu trí và thuế bảo hiểm gia tăng nhiều hơn. Người ta không nói tới việc giảm thuế và các dễ dãi. Nhưng tình hình nghiêm trọng, và dân nước Hy Lạp không trông thấy ánh sáng ở cuối đường hầm của cuộc khủng hoảng.
Tạo công ăn việc làm, đầu tư và chú ý tới giới trẻ là các ưu tiên mà người dân chờ đợi nơi chính quyền, đặc biệt giờ đây Hy Lạp được mời gọi bước đi một mình, cả khi có phải ở dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Âu châu đòi hỏi Hy Lạp tôn trọng chương trình cắt giảm và các cải cách cần thiết, để giảm nợ công và chữa lành tình trạng tài chánh.
ĐC cho biết ngành du lịch tuy đem lại nhiều lợi nhuận, nhưng không đủ để vực dậy nền kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp và công nhân viên phải trả tới 60% tiền thuế. Với các gánh nặng như thế thật khó mà tái khởi hành. Tám năm hy sinh thắt lưng buộc bụng đã khiến cho dân nước Hy Lạp hoàn toàn suy sụp. Giờ đây tâm tình chung của dân chúng là sự lo âu sợ hãi mất cả những gì ít ỏi còn lại. Cuộc khủng hoảng đã khiến cho nửa triệu người trẻ bỏ nước ra đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ là những người có khả năng và được chuẩn bị nhất, vì đã được học hành đào tạo. Cuộc trốn chạy đầu óc này là một thiệt hại vô cùng to lớn cho dân nước HY Lạp.
Tuy nhiên các khó khăn này đã không ngăn cản Giáo Hội công giáo Hy Lạp luôn luôn đi tiên phong trong việc trợ giúp người dân cũng như người di cư tỵ nạn. Số người tỵ nạn đông gấp 4 lần số tín hữu công giáo. Vì thế đây là một công tác khó khăn đối với cộng đoàn công giáo bé nhỏ, vì Giáo Hội có rất ít khả năng tài chánh. Do đó Giáo Hội chờ đợi sự trợ giúp của các Giáo Hội âu châu và trên thế giới. Hiện nay có gần 50.000 người di cư xin tỵ nạn tại Hy Lạp, trong đó có hơn 35.000 đến hồi năm ngoái. Khoảng 13.000 đã bị chặn tại các đảo như Lesbo, Chios, Samos, Kos. Với số người tỵ nạn gia tăng liên tục tại đảo Lesbo tình hình trại Moria đang rơi vào cảnh hỗn loạn, vì các vụ đụng độ, các vụ hãm hiếp và điều kiện tâm lý của hàng ngàn người ngày càng tồi tệ thêm. Trong khi trại chỉ có khả năng cho 3.000 lại phải tép nhận tới 8.000 người, nên các điều kiện vệ sinh thiếu thốn.
ĐC Sebastianos Rossolatos cũng cho biết Giáo Hội cố gắng đảm trách mục vụ cho tín hữu và người di cư tỵ nạn. Cộng thêm người di cư số tín hữu Hy Lạp gia tăng gấp 4 với khoảng 400.000 người, trong đó chỉ có 50.000 là người gốc Hy Lạp. Còn lại đông nhất là người Ba Lan 40.000, Philippines 45.000, Iraq 4.000. Tiếp đến là người Albani, Ucraina, Armeni, Siri vv. Giáo Hội cần các linh mục, các nơi thờ tự, tụ họp gặp gỡ, để lo lắng mục vụ cho tín hữu, nhưng Giáo Hội lại không có các phương tiện tài chánh để thuê hay xây các nơi ấy. ĐC Rossolatos cũng cám ơn sự trợ giúp của Giáo Hội Italia và kêu gọi các Giáo Hội anh em âu châu trợ giúp và đừng bỏ rơi Giáo Hội Hy Lạp một mình đối phó với trình trạng khủng hoảng hiện nay (REI 20-7-2018)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Đài Vatican