Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục của Parramatta, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về Công bằng Xã hội, Truyền giáo và Phục vụ của Hội đồng Giám mục Úc, kêu gọi các cơ quan của đất nước cam kết đảm bảo lòng hiếu khách cho một số lớn hơn những người tị nạn Afghanistan, trong một nỗ lực liên đới quốc gia.
Trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Di trú Úc Alex Hawke đã ra thông báo về biện pháp tiếp nhận, nêu rõ chính phủ sẽ mở cửa cho những người Afghanistan có mối liên hệ với Úc, bao gồm: nhân viên địa phương cũ có liên quan hoặc nhân viên của tổ chức phi chính phủ Úc, cũng như phụ nữ và dân tộc thiểu số. Với điều kiện này chính phủ công bố ý định cấp quyền tị nạn trong vòng 4 năm tới cho 15 nghìn người tị nạn đến từ Afghanistan, đặc biệt những người đã cộng tác trong chương trình nhân đạo Úc.
Theo Giáo hội Công giáo, con số này chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Đức cha Vincent Long nói: “Quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan đòi hỏi phải khẩn trương tạo ra các địa điểm bổ sung để tiếp nhận nhân đạo của Úc. Đây là lý do tại sao các Giám mục, cùng với các thành viên khác của Liên minh Công giáo cho những người xin tị nạn và nhiều nhóm và tổ chức khác, một lần nữa kêu gọi chính phủ chào đón ít nhất 20 nghìn người khác, ngoài 15 nghìn đã dự kiến”.
Đức cha Chủ tịch cho rằng, sáng kiến này của chính phủ thể hiện một tin tốt, nhưng nó có giới hạn, vì những nơi được cung cấp chỉ dành cho đoàn tụ gia đình hoặc thị thực nhân đạo đã có từ trước. Cần mở rộng quy mô nhân đạo thực tế, không chỉ đơn giản là điều chỉnh các ưu tiên trong các kế hoạch hiện có.
Ngay từ những giây phút đầu tiên khi Taliban xâm nhập vào Kabul, vào tháng 8/2021, Giáo hội Úc đã lên tiếng ủng hộ việc chào đón những người tị nạn. Đặc biệt, Đức Tổng Giám mục Mark Benedict Coleridge, của Tổng Giáo phận Brisbane và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc, cho biết: “Nhiều lần trong quá khứ, Úc đã đưa ra biện pháp ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Do đó, tôi kêu gọi chính phủ cũng quảng đại trong trường hợp này. Các thực thể Công giáo sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức trong việc tái định cư người tị nạn. Hơn nữa, bổn phận đạo đức của chúng ta là ở bên cạnh những người, trong những năm qua, đã hỗ trợ lực lượng quân đội Úc, những người rất có thể sẽ phải chịu sự trả thù vì những gì họ đã làm”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News