Hội đồng Toà Thánh về các Văn bản Luật là một cơ quan thuộc Giáo triều Roma. Do tính chất đặc thù của sứ vụ, một mặt Hội đồng này có những điểm giống với các cơ quan khác của Giáo triều, nhưng ở mặt khác cũng có những điểm riêng biệt. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám mục Filippo Iannone, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản Luật, giải thích cụ thể những điều này.
Các hoạt động và tiêu chí hướng dẫn
Năng lực và các hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản Luật được quy định trong Tông hiến Pastor bonus – Mục tử Nhân lành, được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành vào năm 1988 và hiện nay đang trong quá trình cải tổ.
Hội đồng Toà Thánh, dưới hình thức Ủy ban, được thành lập trong bối cảnh pháp điển hoá Bộ Giáo luật 1917, với nhiệm vụ giải thích các luật phổ quát của Giáo hội. Khi một quy tắc được nêu ra, nhưng ý nghĩa không rõ ràng hoặc có thể được hiểu theo những cách khác nhau, dẫn đến các áp dụng khác nhau, thì với sự hỗ trợ của các nhà tư vấn chuyên môn, Ủy ban sẽ nghiên cứu vấn đề và đề xuất một câu trả lời đệ trình lên Đức Thánh Cha để ban hành.
Đây là cách Hội đồng thực hiện trong nhiều thập kỷ, ngay cả sau khi Bộ Giáo luật mới được ban hành vào năm 1983, và trong một số trường hợp, thậm chí còn sửa đổi nội dung của Giáo luật khi thấy cần thiết về mặt giáo lý hoặc kỷ luật. Sau đó, khi Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương được ban hành, các nhiệm vụ tương tự cũng được mở rộng cho văn bản lập pháp này. Trong lúc đó, Ủy ban trở thành Hội đồng Toà Thánh.
Mặc dù hiện nay thẩm quyền đã được mở rộng sang các vấn đề khác, nhưng nói chung, nhiệm vụ trước tiên của Hội đồng Toà Thánh này là giữ cho văn bản của hai Bộ Giáo luật, Latinh và Đông phương, được cập nhật và trình bày cốt lõi luật phổ quát của Giáo hội, và thực hiện nhiệm vụ này bằng cách giải thích các văn bản có sự hồ nghi, và nếu cần, sẽ đề xuất với Đức Thánh Cha những sửa đổi hoặc bổ sung đối với văn bản khi điều này trở nên cần thiết. Thực tế, vào tháng 6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã ban hành một chương hoàn toàn mới trong Bộ Giáo luật – Quyển VI về chế tài trong Giáo hội – Hội đồng Toà Thánh đã làm việc trong hơn một thập kỷ, với sự cộng tác của các Hội đồng Giám mục, các Bộ của Giáo triều Roma và các Phân khoa Giáo luật.
Ngoài nhiệm vụ này, và theo nghĩa rộng hơn, Hội đồng Toà Thánh hỗ trợ Đức Thánh Cha trong hoạt động của ngài với tư cách là Nhà lập pháp tối cao. Hội đồng Toà Thánh hoàn thành điều này bằng cách cộng tác với Đức Thánh Cha trong việc soạn thảo tất cả các điều khoản có tính pháp lý. Đức Thánh Cha cũng vậy, khi thực hiện những cải tổ, ngài cần đưa ra các văn bản quy phạm, như thế tất nhiên cần sự hỗ trợ của Hội đồng, và cũng cho thấy sự tin tưởng của ngài đối với hoạt động của Hội đồng.
Hội đồng còn thực hiện nhiệm vụ này trong khi cộng tác với các Bộ và các cơ quan khác của Giáo triều
Cập nhật theo nhịp sống của Giáo hội và xã hội
Luật để phục vụ xã hội con người, cũng vậy Giáo luật là để phục vụ cho mọi tín hữu, toàn thể Giáo hội. Nhưng thực tế, xã hội và con người luôn thay đổi. Vậy làm thế nào Hội đồng Toà Thánh về các Văn bản Luật có thể bắt nhịp với thời đại và đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi? Chủ tịch Hội đồng giải thích như sau: Hội đồng liên hệ với các trường hợp khác của Giáo hội, đặc biệt là các Bộ của Giáo triều Roma và các Hội đồng Giám mục, để xác định sự cần thiết của bất kỳ thay đổi nào trong các quy tắc, hoặc để chấp nhận các đề xuất cho các quy tắc mới. Như một nhà nghiên cứu nổi tiếng đã nói, luật tuân theo cuộc sống. Trong Hội đồng, mọi người làm việc về luật phổ quát, chung cho toàn thể Giáo hội, sau đó, nhiệm vụ của các Hội đồng Giám mục và trên hết là các Giám mục giáo phận là làm sao để luật phổ quát áp dụng cho các nhu cầu cụ thể của nhiều nơi và các văn hóa khác nhau. Trong bối cảnh này, Hội đồng Toà Thánh có nhiệm vụ đảm bảo rằng các luật do các Giám mục hoặc các Hội đồng đưa ra là phù hợp với luật phổ quát, và nếu cần thiết, các bên liên quan cũng có thể kháng án trước Hội đồng các quy tắc địa phương được coi là trái ngược với các quy tắc do Đức Giáo hoàng đưa ra. Vì vậy, Hội đồng được giao nhiệm vụ kiểm tra các sắc lệnh do các Giám mục ban hành, và xác minh tính phù hợp của chúng với luật phổ quát của Giáo hội. Sự phân quyền, cả trong lãnh vực pháp lý, ngày nay hơn bao giờ hết là một nhu cầu cần thiết, nhưng nó phải đạt được trong khi vẫn duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội.
Tổ chức hoạt động
Liên quan đến hoạt động của các thành viên trong Hội đồng, Đức Tổng Giám mục Filippo Iannone giải thích: Do tính đặc thù của sứ vụ, các thành viên của Hội đồng cần phải có sự hiểu biết về pháp lý, nghĩa là phải có bằng cấp về Giáo Luật. Ngoài tiếng Latinh, một số kiến thức nhất định về các ngôn ngữ hiện đại cũng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu tham vấn nhận được từ các quốc gia. Một cách tổng quát, những người làm việc trong Hội đồng đã có kinh nghiệm trước đó trong lĩnh vực này của đời sống Giáo hội, đã thực hiện các hoạt động mục vụ liên quan đến kiến thức về Giáo luật trong giáo phận hoặc trong các hội dòng. Cùng với những kỹ năng này, họ cũng mang lại kinh nghiệm mục vụ mà chắc chắn không chỉ đủ điều kiện cho công việc của họ, mà còn cho hoạt động của Hội đồng.
Nhân sự
Là một cơ quan của Giáo triều, Hội đồng Toà Thánh được tổ chức theo các tiêu chuẩn của Tông hiến Pastor bonus. Gồm một Chủ tịch, được hỗ trợ bởi một Tổng Thư ký và một Phó Tổng Thư ký, và bao gồm các Thành viên được Đức Thánh Cha lựa chọn trong số các Hồng y và Giám mục trên thế giới. Một số nhân viên làm việc ở đây trong trụ sở chính. Thực tế, so với các Cơ quan khác, con số này khá nhỏ do loại công việc của Hội đồng vì có thể tận dụng chính sự cộng tác từ xa, như cách gọi ngày nay. Thực tế, Hội đồng có một số lớn các cố vấn, giáo sư và chuyên gia về Giáo luật trên khắp thế giới, những người được tham vấn cho những vấn đề phức tạp hơn.
Trợ giúp các Giáo hội địa phương
Phần lớn công việc của Hội đồng là trả lời các câu hỏi về các vấn đề cụ thể mà Hội đồng nhận được từ các giám mục giáo phận, từ những người điều hành các tòa án Giáo hội, từ các bề trên dòng tu. Thực tế, Hội đồng nhận được các yêu cầu cụ thể không liên quan đến quá nhiều hoặc không trực tiếp đến việc giải thích xác thực các điều luật, nhưng là việc áp dụng chúng cho các trường hợp riêng lẻ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Những yêu cầu này liên quan đến luật và Hội đồng cố gắng đưa ra câu trả lời nhanh chóng và rõ ràng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về câu hỏi, và cũng tính đến sự nhất quán với các cơ quan khác của Giáo triều Roma.
Tuy nhiên, những câu trả lời này được hiểu là ý kiến về các trường hợp riêng lẻ, không có giá trị ràng buộc đối với những người hỏi, ngoại trừ trường hợp viện dẫn luật có hiệu lực. Tuy nhiên, có thể nói đó là ý kiến có thẩm quyền của một Hội đồng của Toà Thánh về chủ đề của cuộc tham vấn, nói chung, đó là ý kiến của người được hỏi, để xác tín hơn trong việc thực thi mục vụ cai quản.
Đào tạo chuyên gia Giáo luật
Dựa theo những cải cách mà Đức Thánh Cha mong muốn về Giáo triều, thì cần phải chú ý nhiều hơn đến việc đào tạo Giáo luật cho những người sẽ thi hành sứ vụ trong Giáo triều. Những cải cách luật gần đây, như thủ tục hôn nhân, chế tài trong Giáo hội, đã thu hút sự chú ý nhiều hơn từ phía các Bề trên đối với việc đào tạo cụ thể các nhân viên, giáo sĩ và giáo dân, trong lĩnh vực này. Theo một cách nào đó, sự cần thiết của Giáo luật trong đời sống Giáo hội một lần nữa đã được khám phá. Sau Công đồng Vatican II, tất cả các Giáo hoàng từ thánh Giáo hoàng Phaolô VI đến Đức Thánh Cha Phanxicô đều nói về sự cần thiết này. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một bài diễn văn trước Đại hội đồng của Hội đồng Toà Thánh về các Văn bản Luật, đã tuyên bố: “Việc làm cho các luật của Giáo hội được biết đến và áp dụng không phải là một trở ngại đối với khả thể ‘hiệu quả’ mục vụ của những người muốn giải quyết các vấn đề không cần luật, nhưng ngược lại, nó đảm bảo cho việc tìm kiếm các giải pháp không bị tuỳ tiện nhưng thực sự công bằng, và do đó thực sự mang tính mục vụ. Bằng cách tránh những giải pháp tùy tiện, luật pháp trở thành một thành luỹ hợp thức để bảo vệ những người rốt cùng và người nghèo, một cái khiên bảo vệ cho những ai có nguy cơ trở thành nạn nhân của quyền bính”.
Linh động trong áp dụng luật
Một câu hỏi được đặt ra là: Liệu có thể dung hoà giữa việc áp dụng luật nghiêm ngặt với lòng thương xót và bác ái mà mục vụ đòi hỏi không? Đức Tổng Giám mục Filippo Iannone trả lời: Đây chính xác là một trong những đặc điểm cơ bản của Giáo luật giúp phân biệt nó với các hệ thống pháp luật khác, thường quá quan tâm đến thực chứng. Giáo luật dạy cách giải thích và áp dụng chính xác luật của Giáo hội, là bộ luật được thành lập dựa trên luật tự nhiên và thiên luật, là những tiêu chuẩn cuối cùng của công lý mà giáo quyền phải tuân theo. Do đó, Giáo luật cung cấp mọi công cụ cần thiết cho những người có thẩm quyền để họ có thể điều chỉnh tính nghiêm minh và các yêu cầu của luật nhằm được áp dụng một cách chính đáng trong các trường hợp cụ thể, nghĩa là không thể bỏ qua các đòi hỏi của lòng bác ái và thương xót trong việc áp dụng luật. Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI từng nói rằng “luật là điều kiện của tình yêu”.
Đối với Thánh Tôma, “Lòng thương xót không có công lý là mẹ của sự phân ly; công lý mà không có lòng thương xót là sự tàn ác”. Lòng thương xót không hành động chống lại công lý, nhưng vượt lên trên nó, đưa nó đến sự hoàn thiện. Nó tránh được sự nghiêm minh của luật pháp và sự cứng nhắc của kỹ thuật, ngăn cản chữ viết giết người. Do đó, bác ái và thương xót biểu thị một cách khôn ngoan công lý của Giáo hội. Theo Bộ Giáo luật, “các Ki-tô hữu cũng có quyền được xử theo những quy định của luật pháp, và những quy định này phải được áp dụng cách hợp tình hợp lý” (khoản 2, điều 221). Do đó, thẩm phán sẽ sử dụng công bằng Giáo luật bằng cách thực thi “luật được chi phối bởi đức ái”, và xét đến tất cả những gì bác ái gợi ý. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đi xa đến mức tuyên bố rằng, “lòng thương xót thực sự, có thể nói, là nguồn gốc sâu xa nhất của công bình” (Dives in Misericordia, số 14).
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News